1900 8198

42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tìm kiếm

TÌM KIẾM THÔNG TIN VỀ BỆNH UNG THƯ TRÊN INTERNET - NÊN HAY KHÔNG?

22/06/2024 - 03:37

Đối với nhiều người, internet là nơi họ nghĩ tới đầu tiên khi cần tìm kiếm thông tin. Bạn có thể dễ dàng truy cập vào hầu hết các chủ đề đang quan tâm - bao gồm cả các thông tin về bệnh ung thư. Tuy nhiên, không phải tất cả thông tin trên internet đều đáng tin cậy, trong khi đó, người đọc sẽ rất khó phân biệt nếu tìm hiểu không kỹ.

Trên nhiều trang web, bạn có thể tìm thấy thông tin cơ bản về các loại bệnh ung thư, các nghiên cứu, bác sĩ và bệnh viện, hướng dẫn điều trị ung thư, các loại thuốc điều trị và thực phẩm chức năng, cũng như các phương pháp điều trị hỗ trợ. Nhưng phần lớn các thông tin đang tràn ngập trên mạng Internet lại được soạn từ ý kiến cá nhân, những người bán hàng và những lời đánh giá nhận xét chủ quan, chứ không dựa trên nền tảng khoa học. Do đó, bạn cần phải tìm được nguồn thông tin chính xác cho dù mất thời gian và công sức. Những thông tin sai lệch về ung thư có thể gây hại đến người bệnh.


Hình 1: Tìm kiếm thông tin bệnh ung thư trên Internet.

Nguồn ảnh: https://www.fredhutch.org/en/news/center-news/2016/02/researching-your-cancer-online.html

Dưới đây là một số lời khuyên về những gì bạn cần tìm kiếm và những gì cần tránh khi tra cứu thông tin trên mạng Internet nhằm hỗ trợ việc đưa ra lựa chọn phù hợp.

NGƯỜI DÙNG MẠNG INTERNET HÃY CẨN THẬN


Thông tin về bệnh ung thư trên mạng Internet đến từ nhiều nguồn khác nhau - các tổ chức chuyên về sức khỏe, các cơ quan chính phủ, các trường đại học, các hội nhóm quan tâm, thông tin đại chúng, và cả những kẻ lừa đảo. Bất kì ai cũng có thể đăng bài online và một số người còn truyền tải những thông tin phiến diện, không chính xác hoặc thậm chí là sai hoàn toàn.

Những kẻ lừa đảo và những người thiếu trung thực sử dụng mạng Internet vì hai lí do chính: chi phí thấp và có thể che giấu danh tính thật. Hơn nữa, thông điệp và sản phẩm lừa đảo của họ sẽ được tiếp cận với mọi người trên khắp thế giới.

Đặc tính của các trang web khiến mọi người dễ dàng bị đánh lừa hơn. Ví dụ, nếu bạn nhìn thấy một bảng hiệu trước một cửa hàng nhỏ, tồi tàn nhưng lại được tuyên bố rằng đó là nhà cung cấp thiết bị y tế lớn nhất ở Hoa Kỳ, bạn có thể sẽ nghi ngờ ngay lập tức. Nhưng nếu bạn thấy một trang web có vẻ ngoài chuyên nghiệp trên internet cũng đưa ra tuyên bố tương tự, người đọc khó mà nhận ra đó là trang web đáng tin cậy hay là lừa đảo.

Điều này không có nghĩa là bạn không nên tin tưởng bất kì thứ gì trên mạng Internet - chỉ là bạn phải lựa chọn nguồn thông tin một cách cẩn thận. Ngay cả trên các trang web đáng tin cậy, được đánh giá cao, điều quan trọng cần lưu ý là các thông tin về sức khỏe chỉ là những thông tin nói chung và có thể không đúng hoàn toàn với bạn. Luôn nhớ rằng các thông tin online mà bạn tìm thấy không thể thay thế cho những lời khuyên của bác sỹ. Nếu bạn gặp phải những vấn đề sức khỏe, hãy trao đổi với bác sĩ. Không có cách nào khác để bạn có được trải nghiệm và sự quan tâm chăm sóc tương tự như khi bạn gặp bác sĩ, người có thể dựa vào tiền sử bệnh, tình trạng hiện tại của bạn, khám cho bạn và trao đổi cùng bạn về những vấn đề sức khỏe bạn đang cảm thấy không ổn.

TÌM KIẾM TRÊN INTERNET CÒN MANG ĐẾN CHO BẠN NHỮNG KẾT QUẢ THƯƠNG MẠI

 

Bạn hãy nhớ rằng hầu hết các ứng dụng tìm kiếm sẽ cho ra những kết quả là các thông tin được đăng do có sự tài trợ. Thông thường, những kết quả này nằm ở vị trí trên cùng của danh sách kết quả tìm kiếm. Chúng có thể nằm trong một khung, có màu sắc khác biệt, có gạch chân, lệch sang một bên hoặc nằm dưới tiêu đề, nhưng bạn có thể phân biệt các liên kết được tài trợ này. Thông tin bán hàng có thể hữu ích với nhiều sản phẩm, nhưng đó không phải là loại thông tin mà bạn muốn sử dụng để lựa chọn phương pháp điều trị bệnh ung thư.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TÔI CHẮC CHẮN NHỮNG GÌ TÔI ĐỌC ĐƯỢC TRÊN TRANG WEB LÀ ĐÚNG?

 

Trong nhiều trường hợp, việc này không hề đơn giản. Dưới đây là danh sách các câu hỏi được Viện Ung Thư Quốc Gia (NCI) xây dựng. Hãy hỏi những câu hỏi này khi bạn cần quyết định liệu có nên tin tưởng nguồn thông tin về bệnh ung thư nào đó không. Các câu trả lời phải dễ dàng tìm  được trên chính trang web đó.

AI ĐIỀU HÀNH TRANG WEB NÀY? AI LÀ NGƯỜI TRẢ TIỀN CHO TRANG WEB?

Liệu trang web này có được điều hành hay trả tiền bởi một cá nhân hay tổ chức không? Tổ chức là doanh nghiệp, cơ quan chính phủ, hay tổ chức phi lợi nhuận? Nếu là trang web trung thực liên quan đến sức khỏe, bạn sẽ dễ dàng tìm ra người chịu trách nhiệm cho những thông tin có trên trang web. Thông thường bạn có thể tìm thấy thông tin này bằng cách nhấp vào mục “Giới thiệu về chúng tôi”, mục này thường nằm ở đầu hoặc cuối giao diện chính của trang web.

Bạn có thể biết ai đang điều hành một trang web bằng cách xem các chữ cái ở cuối địa chỉ đường link (URL). Các chữ cái này được gọi là tên miền (domain).edu nghĩa là nguồn thông tin là một phần của hệ thống giáo dục (ví dụ: trường cao đẳng hoặc đại học)

 .org thường là nguồn thông tin từ tổ chức phi lợi nhuận

 .gov là nguồn thông tin của cơ quan chính phủ.

 .com là trang web được điều hành bởi nguồn thương mại (vì lợi nhuận) hoặc nguồn tư nhân.

Biết được thông tin bạn đang xem đến từ một doanh nghiệp, một trường đại học hay một tổ chức phi lợi nhuận có thể giúp bạn hiểu được lí do tại sao cá nhân hoặc tổ chức đó lại cung cấp thông tin này. Có những domain khác nhưng đây là những tên miền được sử dụng thông dụng nhất cho nguồn thông tin về sức khỏe.

Bạn cũng có thể dễ dàng tìm ra người tài trợ cho trang web. Điều này rất quan trọng vì nó có thể ảnh hưởng tới nội dung được trình bày trên trang web. Nếu nguồn tài trợ từ doanh nghiệp thương mại, như nhà quảng cáo hoặc nhà cung cấp dịch vụ, sản phẩm, thông tin có thể có thiên kiến, không hoàn toàn trung thực, khách quan. Các trang web của chính phủ, trường đại học, và nhóm sức khỏe công cộng thường chỉ có mục đích giáo dục cho người đọc.

ĐỐI TƯỢNG MÀ TRANG WEB NHẮM TỚI

Thêm một điều nữa bạn cần suy nghĩ: trang web này được viết cho đối tượng nào? Đối tượng phổ thông (bệnh nhân và gia đình) hay các chuyên gia y tế?

Một số trang web về sức khỏe có hai giao diện khác nhau - một cho người đọc phổ thông và một cho các chuyên gia y tế. Trang web phải được thiết kế để bạn có thể chọn giao diện mình muốn đọc. Thông tin ở cả hai giao diện nên tương đồng nhau, nhưng thông tin dành cho bệnh nhân nên được viết theo cách dễ hiểu hơn và không có các thuật ngữ y khoa.

 

 

Hình 2: Trang web của Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội: www.benhvienungbuouhanoi.vn

 

THÔNG TIN TRÊN TRANG WEB NÀY ĐẾN TỪ ĐÂU? THÔNG TIN NÀY ĐƯỢC GHI LẠI NHƯ THẾ NÀO?

Bạn có thể biết thông tin trên trang web đó đến từ đâu không? Thông tin đó dựa trên các bằng chứng khoa học, hay dựa trên ý kiến chủ quan và kinh nghiệm cá nhân?

Nguồn thông tin đáng tin cậy đến từ các nghiên cứu được thực hiện trên số lượng lớn các tình nguyện viên, sử dụng các phương pháp cẩn trọng để đảm bảo kết quả thực sự phản ánh những gì đang được thử nghiệm. Lời chứng thực cá nhân có thể khá thú vị, nhưng thường không thể kiểm tra được độ chính xác của chúng. Những lời chứng thực mô tả trải nghiệm của một người với loại bệnh ung thư khác (hoặc thậm chí cùng loại bệnh ung thư, nhưng ở giai đoạn khác hoặc ở một người gặp phải bệnh lí khác) sẽ không liên quan tới tình trạng bệnh mà bạn đang đối mặt.

Bạn có biết những nghiên cứu nào đã được thực hiện để chứng thực những gì nói tới trên trang web đó không? Các trang web uy tín sẽ liệt kê những tài liệu tham khảo từ các tạp chí khoa học hỗ trợ cho các thông tin mà họ đưa ra.

Thông tin đưa ra phải cân bằng, gồm cả ưu và nhược điểm của một chủ đề nghiên cứu hoặc phương pháp điều trị. Nếu thông tin mô tả một phương pháp điều trị, bạn hãy nhớ rằng tất cả các phương pháp điều trị đều có tác dụng phụ không mong muốn ở một số bệnh nhân. Nếu không có tác dụng phụ nào được liệt kê, đó là một dấu hiệu cảnh báo.

Ngoài ra, các trang web tin cậy sẽ có tuyên bố miễn trừ trách nhiệm, nói rằng nội dung nhằm mục đích cung cấp thông tin chứ không phải là lời khuyên y tế. Thông tin trên mạng internet không thể thay thế được sự chăm sóc y tế.

THÔNG TIN TRÊN TRANG WEB ĐƯỢC CẬP NHẬT Ở MỨC ĐỘ NÀO?

Thông tin trong lĩnh vực điều trị ung thư hầu như thay đổi hàng ngày. Tiêu chuẩn chăm sóc cách đây vài năm có thể không còn là tiêu chuẩn chăm sóc hiện tại. Các trang web nên bao gồm cả ngày đăng thông tin. Nếu thông tin về điều trị ung thư đã được viết từ cách đây vài năm, bạn nên tìm kiếm và so sánh với các thông tin gần đây hơn.

TRANG WEB CÓ HỎI THÔNG TIN CÁ NHÂN CỦA NGƯỜI ĐỌC KHÔNG? TẠI SAO?

Nếu trang web thu thập thông tin cá nhân của người đọc, họ có ghi rõ họ sử dụng thông tin đó vào mục đích gì không? Bạn có thể tra cứu thông tin về bệnh ung thư mà không cần cung cấp bất kì thông tin cá nhân nào không? Thông tin cá nhân được yêu cầu cung cấp có phù hợp với mục đích đã nêu không? Nếu câu trả lời cho tất cả các câu hỏi trên đều là không, bạn không nên tìm kiếm thông tin ở trang web này.

Các trang web chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin sức khỏe sẽ không hỏi những thông tin như số thẻ/giấy tờ tùy thân, số thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, số bằng lái xe, ngày sinh của  bạn. Loại thông tin cá nhân này chỉ nên cung cấp khi bạn có mối quan hệ kinh doanh đáng tin cậy với trang web và bạn chắc chắn rằng đó là một trang web an toàn.

CÁC DẤU HIỆU CẢNH BÁO

Trả lời cho những câu hỏi đã được liệt kê ở trên là việc không dễ dàng. Ngay cả một số trang web uy tín cũng có thể bị thiếu hụt một số nội dung nhất định. Một cách khác để kiểm tra kĩ lưỡng một trang web là xem xét cẩn thận và cụ thể nội dung trang web.

Ủy Ban Thương Mại Liên Bang Hoa Kì (FTC) đã xây dựng một danh sách các dấu hiệu mà bạn nên nghi ngờ về một trang web:

  • Tuyên bố rằng phương pháp/sản phẩm điều trị nào đó là“ đột phá khoa học”, “phương pháp chữa bệnh thần kỳ”, “thành phần bí truyền”, hoặc “phương thuốc gia truyền”.
  • Tuyên bố rằng một sản phẩm có thể chữa khỏi nhiều loại bệnh (thực tế, không một sản phẩm nào có thể làm được điều này).
  • Những câu chuyện về người đã có kết quả điều trị đáng kinh ngạc, nhưng lại không hề có dẫn chứng, dữ liệu khoa học rõ ràng.
  • Tuyên bố rằng sản phẩm chỉ có sẵn từ một nguồn, đặc biệt là khi họ yêu cầu người mua phải trả tiền trước.
  • Tuyên bố đảm bảo “hoàn lại tiền” (mặc dù điều này có thể làm sản phẩm có vẻ không có rủi ro, nhưng bạn thường không thể lấy lại được tiền của mình trên thực tế).
  • Các trang web không liệt kê tên, địa chỉ đường phố, số điện thoại và các thông tin liên hệ khác của công ty (hoặc có địa chỉ nhưng ở nước ngoài, nhằm tránh né luật pháp và cơ quan quản lý trong nước).

Bất kì dấu hiệu nào trong danh sách trên cũng là dấu hiệu cảnh báo tới người dùng rằng trang web có thể chứa các thông tin không dựa trên cơ sở khoa học thực sự và có thể không đáng tin.

NHÓM HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Nhóm hỗ trợ trực tuyến là các nhóm người chia sẻ thông tin và hỗ trợ trên mạng internet thông qua blog, phòng chat, bảng thảo luận, hoặc danh sách thư điện tử. Những trang web này cho phép mọi người kết nối với nhau. Họ cũng cho phép người dùng được giữ bí mật danh tính cá nhân nếu người đó muốn.

Một số người thấy rằng các nhóm hỗ trợ trực tuyến giúp ích họ về mặt tinh thần. Họ có thể thoải mái chia sẻ trải nghiệm với người khác – những người bệnh ung thư đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự nhau. Tuy nhiên, những nơi này không phải là nguồn cung cấp thông tin sức khỏe tốt nhất. Người bệnh ung thư  nên trao đổi với bác sỹ  ung thư của mình về bất kỳ thông tin nào họ tìm được, để xem liệu thông tin đó có áp dụng được cho họ hay không.

Nguồn: Dịch từ Hiệp Hội Ung Thư Hoa Kỳ https://www.cancer.org/treatment/understanding-your-diagnosis/cancer-information-on-the-internet.html
Người dịch: ThS. BSNT. Nguyễn Thu Yến - Khoa Giải Phẫu Bệnh -Tế Bào
Hiệu đính: ThS. BS. Nguyễn Thanh Hằng, Phòng HTQT-NCKH

 

Bài viết liên quan