1900 8198

42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tìm kiếm

NẾU BẠN MẮC UNG THƯ TẾ BÀO ĐÁY HOẶC UNG THƯ TẾ BÀO VẢY CỦA DA

22/06/2024 - 03:37

Ung thư da khởi phát khi các tế bào của da phát triển mất kiểm soát. Các tế bào ung thư da đôi khi có thể lan tràn ra các bộ phận khác của cơ thể, gọi là di căn, nhưng điều này là không phổ biến.


Mô da

Hãy đề nghị bác sĩ sử dụng hình này để chỉ cho bạn ung thư của bạn ở đâu

Mô da

Da là cơ quan lớn nhất cơ thể. Nó giúp giữ ấm cơ thể, bảo vệ các phần còn lại khỏi ánh nắng mặt trời, che phủ các cơ quan bên trong cơ thể, chống lại vi khuẩn, và giúp tổng hợp vitamin D. Da được tạo ra từ nhiều loại tế bào khác nhau.

Có nhiều loại ung thư da. Một số rất hiếm gặp. Hai loại ung thư da phổ biến nhất là:

· Ung thư da tế bào đáy, xuất phát từ lớp dưới cùng của da

· Ung thư da tế bài vảy, xuất phát từ lớp trên cùng của da.

Một loại ung thư da khác được gọi là ung thư hắc tố da, xuất phát từ các tế bào sinh sắc tố của da (được gọi là tế bào hắc tố).

Làm sao bác sĩ biết tôi bị ung thư da?

Ung thư da tế bào đáy và vảy có thể có các hình thái sau:

· Các vùng phẳng, cứng, nhợt nhạt hoặc màu vàng rất giống vết sẹo

· Các mảng đỏ nổi trên da, có thể ngứa

· Các mảng đỏ sần hoặc có vảy, có thể đóng vảy cứng hoặc chảy máu

· Những  cục sưng nhỏ, màu hồng hoặc đỏ, sáng bóng, có màu ngọc trai, có thể có các vùng màu xanh, nâu hoặc đen

· Khối hoặc cục hồng nhạt có gờ nổi rõ và lõm trung tâm

· Các vết loét hở (có thể có các vùng chảy dịch hoặc đóng vảy) không lành hoặc lành rồi lại loét trở lại.

· Tăng sinh giống như mụn cóc

 

 

Nguồn: https://www.everydayhealth.com/skin-cancer/what-are-the-different-types-of-skin-cancer/

Các xét nghiệm có thể được thực hiện

Bác sĩ sẽ hỏi bạn những câu hỏi về thời điểm vết, đốm bất thường xuất hiện lần đầu tiên tr da và liệu nó có thay đổi về kích thước hay hình thức hoặc cảm giác hay không. Phần da còn lại của bạn cũng sẽ được kiểm tra. Trong quá trình khám, bác sĩ sẽ kiểm tra kích thước, hình dạng, màu sắc và kết cấu của bất kỳ thay đổi nào trên da. Nếu các dấu hiệu cho thấy ung thư da, sẽ cần làm thêm các  xét nghiệm.

Sinh thiết da

Khi sinh thiết, bác sĩ lấy ra một mảnh mô nhỏ để kiểm tra tế bào ung thư. Sinh thiết là cách duy nhất để biết chắc chắn liệu bạn có bị ung thư da hay không và đó là loại gì. Có nhiều loại sinh thiết da. Hãy hỏi bác sĩ xem bạn sẽ cần loại nào. Mỗi loại đều có ưu và nhược điểm. Việc lựa chọn sử dụng loại nào tùy thuộc vào trường hợp cụ thể của bạn.

Trong một số trường hợp hiếm gặp, ung thư da tế bào đáy và tế bào vảy có thể lan đến các hạch bạch huyết (các túi có kích thước bằng hạt đậu tạo thành từ các tế bào của hệ thống miễn dịch) gần đó. Hãy hỏi bác sĩ xem hạch bạch huyết của bạn có cần được kiểm tra hay không.

Ung thư tế bào đáy và tế bào vảy thường không lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Nhưng nếu bác sĩ cho rằng ung thư da của bạn có thể lan rộng, bạn có thể cần xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như chụp MRI hoặc CT.

Bệnh ung thư của tôi nghiêm trọng đến mức nào?

Nếu bạn bị ung thư da, bác sĩ sẽ muốn tìm hiểu xem nó đã lan rộng bao xa. Điều này được gọi là đánh giá giai đoạn. Ung thư da tế bào đáy và tế bào vảy thường không lan tràn như một số loại ung thư khác, vì vậy giai đoạn chính xác có thể không quá quan trọng. Tuy nhiên, bác sĩ có thể muốn tìm hiểu giai đoạn ung thư của bạn để giúp quyết định loại điều trị nào là tốt nhất cho bạn. Giai đoạn mô tả sự phát triển hoặc lan rộng của ung thư qua da. Nó cũng cho biết mức độ  ung thư đã lan sang các bộ phận khác trên cơ thể bạn là di căn gần (tại chỗ, tại vùng) hay di căn xa.

Ung thư của bạn có thể ở giai đoạn 0, 1, 2, 3 hoặc 4. Chỉ số càng thấp thì ung thư càng ít lan rộng. Con số cao hơn, như giai đoạn 4, có nghĩa là bệnh ung thư nghiêm trọng hơn đã lan ra ngoài da. Những yếu tố khác cũng có thể giúp bạn và bác sĩ quyết định cách điều trị bệnh ung thư, chẳng hạn như:

· Ung thư ở vị trí nào trên cơ thể

· Ung thư phát triển nhanh tới mức nào

· Ung thư đã gây ra các triệu chứng chẳng hạn như đau hoặc ngứa chưa

· Có phải ung thư xuất hiện ở vị trí cơ thể đã được xạ trị không?

· Hệ miễn dịch của bạn có bị suy yếu không

Điều trị

Có nhiều cách để điều trị ung thư da . Các phương pháp điều trị chính là:

· Phẫu thuật

· Xạ trị

· Các phương pháp điều trị tại chỗ khác

· Thuốc nhắm trúng đích

· Liệu pháp miễn dịch

· Hóa trị

Hầu hết các bệnh ung thư tế bào đáy và tế bào vảy có thể được chữa khỏi bằng phẫu thuật hoặc các phương pháp điều trị khác chỉ tác động vào vị trí tổn thương ung thư trên da.

Kế hoạch điều trị tốt nhất cho bạn sẽ phụ thuộc vào:

· Giai đoạn và mức độ của bệnh ung thư

· Khả năng một phương pháp điều trị sẽ chữa khỏi bệnh ung thư hoặc ích lợi theo cách nào đó

· Tuổi tác và sức khỏe toàn trạng của bạn

· Cảm xúc của bạn về việc điều trị và các tác dụng phụ đi kèm với nó

Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính cho hầu hết các bệnh ung thư da. Có nhiều loại phẫu thuật khác nhau. Loại phẫu thuật phù hợp nhất với bạn tùy thuộc vào loại ung thư da, độ lớn và vị trí của nó. Hãy hỏi bác sĩ của bạn loại phẫu thuật nào bạn sẽ thực hiện và kết quả mong đợi.

Xạ trị

Xạ trị sử dụng tia năng lượng cao (như tia X) để tiêu diệt tế bào ung thư. Loại bức xạ dùng để điều trị ung thư da chỉ đi vào da. Điều này hạn chế tổn thương cho các phần khác của cơ thể. Xạ trị cũng có thể được sử dụng để điều trị ung thư da đã lan sang các bộ phận khác của cơ thể.

Nếu bác sĩ đề nghị điều trị bằng xạ trị, hãy hỏi về những tác dụng phụ có thể xảy ra. Tác dụng phụ phụ thuộc vào loại bức xạ được sử dụng. Các tác dụng phụ phổ biến nhất của xạ trị là:

  • Thay đổi da và rụng tóc nơi bị chiếu xạ
  • Cảm thấy rất mệt mỏi

Hầu hết các tác dụng phụ sẽ thuyên giảm sau khi kết thúc điều trị. Một số có thể tồn tại lâu hơn. 

Laser điều trị ung thư da

Nguồn: https://qcskinclinic.com.au/procedure/laser-surgery-for-skin-cancer/

Các phương pháp điều trị tại chỗ khác (các phương pháp điều trị chỉ tác động đến da)

Có nhiều cách điều trị ung thư da mà không cần cắt bỏ da . Một số trong số này sử dụng áp lạnh, hóa trị hoặc các loại thuốc khác bôi ngay lên da, liệu pháp ánh sáng (PDT) hoặc tia laser để tiêu diệt tế bào ung thư.

Nếu bạn đang sử dụng một trong những phương pháp điều trị này, hãy nói chuyện với bác sĩ về cơ chế tác động và kết quả mong đợi của phương pháp đó. Hãy chắc chắn rằng bạn biết quá trình điều trị sẽ như thế nào, làn da của bạn sẽ cảm thấy như thế nào và chăm sóc nó như thế nào.

Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch là phương pháp điều trị giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của chính bạn để tấn công các tế bào ung thư. Nó có thể được sử dụng để điều trị một số bệnh ung thư da tế bào vảy tiến triển. Thuốc được tiêm vào đường tĩnh mạch.

Liệu pháp miễn dịch có thể gây ra nhiều tác dụng phụ khác nhau. Chúng thường nhẹ, nhưng một số có thể nghiêm trọng. Hầu hết những vấn đề này sẽ biến mất sau khi kết thúc điều trị. Có nhiều cách để điều trị hầu hết các tác dụng phụ của liệu pháp miễn dịch. 

Thuốc điều trị nhắm trúng đích

Thuốc điều trị nhắm trúng đích có thể được sử dụng cho một số loại ung thư da. Những loại thuốc này tìm và tấn công các tế bào ung thư trong khi ít gây hại cho các tế bào bình thường. Mỗi loại thuốc hoạt động theo một cách khác nhau nhưng chúng thay đổi cách tế bào ung thư phát triển, phân chia hoặc tự sửa chữa. Thuốc nhắm trúng đích có thể gây ra các tác dụng phụ khác nhau. Hầu hết những vấn đề này sẽ biến mất sau khi kết thúc điều trị.

Hóa trị

Hóa trị là sử dụng thuốc hóa chất để chống ung thư, thuốc được đưa vào tĩnh mạch hoặc uống dưới dạng thuốc viên. Những loại thuốc này đi vào máu đến tất cả các bộ phận của cơ thể. Không giống như hóa trị được đặt trực tiếp lên da, theo cách này, hóa trị có thể tấn công các tế bào ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết và các cơ quan khác.

Hóa trị có thể khiến bạn cảm thấy rất mệt mỏi, đau bụng và khiến tóc rụng. Nhưng những vấn đề này sẽ biến mất sau khi kết thúc điều trị. Có nhiều cách để điều trị hầu hết các tác dụng phụ của hóa trị. Nếu bạn gặp tác dụng phụ, hãy nói chuyện với nhóm chăm sóc bệnh ung thư của bạn để họ có thể giúp đỡ.

Thử nghiệm lâm sàng

Thử nghiệm lâm sàng là nghiên cứu thử nghiệm các loại thuốc mới hoặc các phương pháp điều trị khác ở người.  Chúng là cách tốt nhất để các bác sĩ tìm ra cách tốt hơn để điều trị ung thư. Nếu bác sĩ của bạn có thể tìm được một thử nghiệm lâm sàng đang nghiên cứu về loại ung thư mà bạn mắc phải, bạn có thể quyết định tham gia hoặc không. Nếu bạn đăng ký tham gia, bạn luôn có thể dừng lại bất cứ lúc nào.

Còn những phương pháp điều trị khác mà tôi đã nghe nói đến thì sao?

Khi bị ung thư, bạn có thể nghe về những cách khác để điều trị ung thư hoặc điều trị các triệu chứng của mình. Có thể đây không phải lúc nào cũng là phương pháp điều trị tiêu chuẩn. Những phương pháp điều trị này có thể là vitamin, thảo dược, chế độ ăn kiêng đặc biệt và những thứ khác. Một số phương pháp này được biết đến là có ích nhưng nhiều loại chưa được kiểm chứng. Một số đã được chứng minh là không giúp ích gì, thậm chí còn được phát hiện là có hại. Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về bất cứ phương pháp điều trị nào bạn đang nghĩ đến việc sử dụng, cho dù đó là vitamin, chế độ ăn kiêng hay bất cứ thứ gì khác.

Điều gì sẽ xảy ra sau khi điều trị?

Sau khi kết thúc điều trị bạn cần kiểm tra da ít nhất mỗi tháng một lần. Bảo vệ bản thân khỏi tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời sẽ là điều rất quan trọng.

Trong nhiều năm sau khi kết thúc điều trị, bạn vẫn cần gặp bác sĩ điều trị ung thư da. Lúc đầu, số lần tái khám của bạn có thể vài tháng một lần. Sau đó, thời gian không bị ung thư tái phát càng dài thì số lần thăm khám càng thưa. Hãy bảo đảm đi tái khám đầy đủ. Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và kiểm tra xem bạn có dấu hiệu ung thư tái phát hoặc ung thư da mới hay không. Các xét nghiệm và thăm khám khác cũng có thể được thực hiện.

Nguồn: dịch từ www.cancer.org Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ

Đường dẫn: https://www.cancer.org/cancer/types/basal-and-squamous-cell-skin-cancer/if-you-have-basal-or-squamous-skin-cancer.html

Biên dịch: ThS.BS. Nguyễn Khánh Hà, khoa Nội tổng hợp Điều trị ban ngày theo yêu cầu, bệnh viện Ung Bướu Hà Nội.

Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng, phòng Hợp tác Quốc tế và Nghiên cứu khoa học, bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

 

Bài viết liên quan