1900 8198

42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tìm kiếm

ĐỐI MẶT VỚI UNG THƯ TÁI PHÁT

22/06/2024 - 03:37

Ung thư tái phát có thể là một cú sốc lớn đối với người bệnh và người thân của họ. Điều trị sẽ khó khăn hơn và tất cả những cảm xúc tiêu cực đã từng có khi nhận chẩn đoán ung thư lần đầu có thể quay trở lại, thậm chí còn trầm trọng hơn. Người bệnh có thể cảm thấy dè chừng, cẩn trọng, và ít hy vọng hơn so với lần trước. Họ cũng có thể sẽ cảm thấy thất vọng về bản thân và đội ngũ y bác sỹ đã từng điều trị cho họ. Dưới đây là những vấn đề phổ biến nhất mà người bệnh ung thư tái phát cần biết.

Tôi có thể làm gì để ngăn chặn ung thư tái phát không?

Nhiều người tự đổi lỗi cho bản thân vì đã từng bỏ lỡ một lần tái khám, đã ăn uống không đúng cách, hoặc đã bỏ qua việc xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm hình ảnh. Nhưng ngay cả khi bạn làm mọi việc đầy đủ như hướng dẫn, ung thư vẫn có thể tái phát. Hiện nay y học đã có thêm nhiều hiểu biết mới về cách thức tăng trưởng và phát triển của ung thư, nhưng căn bệnh này vẫn là một điều bí ẩn.

Tại sao lại là tôi?

Điều đó xảy ra không thực sự quan trọng, tìm ra cách tốt nhất để vượt qua nó quan trọng hơn. Lo lắng có thể gây tiêu hao năng lượng mà cơ thể bạn cần để chống chọi với bệnh tật. Nếu bạn thấy mình không thể đối phó với những lo lắng này, hãy nói chuyện với bác sỹ điều trị của bạn. Có thể bạn sẽ cần đến chuyên gia tâm lý để giúp bạn vượt qua cảm giác tiêu cực này.

Điều trị ung thư tái phát

Khi bệnh ung thư tái phát, bác sỹ điều trị sẽ trao đổi với bạn về các phương án điều trị cũng như mức độ hiệu quả của từng phương án.
Hãy chắc chắn hiểu rõ mục tiêu của từng phương pháp điều trị mà bạn đang cân nhắc. Điều trị nhằm kiểm soát bệnh ung thư? nhằm chữa khỏi bệnh? hay nhằm giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn? Bạn có thể hỏi thêm ý kiến từ các chuyên gia ngoài bác sỹ điều trị hoặc lựa chọn điều trị tại một trung tâm ung thư có nhiều kinh nghiệm hơn về loại ung thư của bạn.

“Tại sao tôi không thể điều trị tái phát bằng phương pháp điều trị tôi lần đầu?”

Một số người bệnh tái phát có thể được điều trị bằng phương pháp đã sử dụng khi họ mắc ung thư lần đầu. Ví dụ, một phụ nữ mắc ung thư vú tái phát tại chỗ sau phẫu thuật có thể sẽ lại được phẫu thuật lấy bỏ khối u tái phát. Cô ấy cũng có thể điều trị bằng xạ trị, đặc biệt khi chưa từng xạ trị trước đó. Tiếp theo, cô ấy có thể điều trị bằng hóa trị và/hoặc liệu pháp hoóc-môn

Quyết định phương pháp điều trị sẽ dựa trên:

  • Loại ung thư
  • Thời gian tái phát
  • Vị trí tái phát
  • Mức độ tái phát
  • Tình trạng sức khỏe chung
  • Mong muốn cá nhân của người bệnh

Một điều khác cần lưu ý là tế bào ung thư khi tái phát có thể kháng với hóa trị. Khối u tái phát thường sẽ không có đáp ứng tốt với điều trị như khối u ban đầu

Một lý do khác khiến bác sỹ có thể sử dụng phương pháp điều trị khác với lần đầu là nguy cơ về tác dụng không mong muốn của điều trị. Ví dụ, một số thuốc hóa chất có thể gây các vấn đề cho tim hoặc tổn thương thần kinh ở bàn tay và bàn chân. Việc tiếp tục sử dụng các loại thuốc đó sẽ có nguy cơ làm các vấn đề đó trở nên trầm trọng hơn hoặc dẫn đến các tác dụng phụ lâu dài.

 “Tôi cần phẫu thuật để điều trị ung thư tái phát nhưng tôi không được xếp lịch mổ trong ít nhất một tháng rưỡi nữa. Tôi muốn được mổ ngay! Trong khi tôi phải chờ đợi lịch mổ, bệnh ung thư của tôi sẽ tiến triển lan rộng tới mức độ nào?”

Với hầu hết các bệnh ung thư, người bệnh vẫn có thời gian cân nhắc trước khi quyết định  điều trị. Cần nhớ rằng tế bào ung thư cần phải nhân lên nhiều lần tới khi đủ số lượng mới có thể hình thành một khối u hoặc một tổn thương có thể được phát hiện qua xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh. Quá trình này cần thời gian. Thông thường, bạn sẽ có đủ thời gian để cân nhắc trước khi đưa ra quyết định điều trị phù hợp.

Làm thế nào để biết liệu tôi có nên tiếp tục điều trị hay không?

 Không có câu trả lời duy nhất cho câu hỏi này. Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào loại ung thư,  ảnh hưởng của bệnh tới cơ thể, thông tin mà bác sỹ đã tư vấn cho bạn, suy nghĩ và cảm xúc của bạn cũng như gia đình bạn về tình trạng của bạn.

Trong suốt quá trình điều trị (ngay cả khi việc điều trị không thể đẩy lui được bệnh), bạn vẫn đang được chăm sóc bởi bác sỹ điều trị, bệnh của bạn đang tiến triển chậm lại, và tác dụng phụ cũng như các triệu chứng vẫn đang được theo dõi và điều trị.

 Với một số người, việc điều trị ung thư giúp họ cảm thấy tốt hơn và khỏe hơn. Với một số người khác, việc điều trị gây tác dụng ngược lại, khiến họ cảm thấy mệt mỏi và ít tự do hơn.

 Chỉ có bạn mới có thể quyết định cách mà bạn muốn sống cuộc đời mình. Tất nhiên, bạn sẽ muốn biết gia đình mình cảm thấy thế nào về điều đó nhưng hãy nhớ rằng, quyết định cuối cùng là ở bạn.

Dù bạn có muốn điều trị ung thư hay không, bạn cũng nên được chăm sóc hỗ trợ hay chăm sóc giảm nhẹ. Chăm sóc giảm nhẹ tập trung vào việc giúp người bệnh có chất lượng cuộc sống tốt nhất có thể, ngay cả khi bệnh ung thư không còn cơ hội chữa khỏi.

Việc điều trị được thực hiện ngay cả khi không phải với mục tiêu chữa khỏi bệnh. Đối với nhiều người, bệnh ung thư của họ vẫn được kiểm soát theo cách này trong nhiều năm. Điều trị có thể giúp thu nhỏ khối u, từ đó giúp giảm triệu chứng và kéo dài cuộc sống.

Làm sao để đối phó với bất ổn vể cảm xúc khi ung thư tái phát?

Không phải ai cũng có cảm xúc và suy nghĩ giống nhau khi ung thư tái phát. Và không phải tất cả đều được chia sẻ ở đây, nhưng có thể gặp những băn khoăn và cảm xúc như sau

Đổ lỗi

 Điều mà bất kỳ ai cũng không mong đợi là phải quay lại điều trị bệnh ung thư mà họ nghĩ rằng đã khỏi. Việc muốn đổ lỗi cho ai đó là điều bình thường. Sự lựa chọn tự nhiên thường sẽ là bác sỹ điều trị. Bạn có thể cho rằng bác sỹ đã không điều trị đúng trong lần điều trị đầu tiên. Bạn cũng có thể cho rằng bác sỹ đã không theo dõi bệnh của bạn một cách chặt chẽ. Hoặc có thể bạn cảm thấy mình đã không được lắng nghe một cách đầy đủ.

Việc bác sỹ cố tình không điều trị bằng phương pháp tốt nhất cho người bệnh trong lần điều trị ung thư đầu tiên là điều vô cùng hiếm gặp. Nếu bình tĩnh suy xét bạn sẽ thấy nghi ngờ về điều này là không hợp lý. Bác sỹ của bạn luôn muốn làm tốt công việc của họ để người bệnh mau khỏe lại, đây cũng là điều làm nên thành công của một bác sỹ. Nhưng nếu bạn cảm thấy không thể tiếp tục điều trị với bác sỹ hiện tại, bạn nên tìm một bác sỹ mới. Có thể bạn sẽ thấy khởi đầu với một bác sỹ mới sẽ giúp bạn cải thiện thái độ và cảm thấy tốt hơn về tình trạng hiện tại của mình.

Tức giận

Cảm thấy tức giận và buồn bã khi ung thư tái phát là điều hoàn toàn bình thường, và bạn có thể cần sự hỗ trợ, và cần ai đó nghe bạn tâm sự về những cảm giác này. Có nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau như nhóm trợ giúp trực tiếp hoặc trực tuyến có thể hữu ích với họ. Những người cùng hoàn cảnh, đã trải qua ung thư tái phát như bạn có thể thấu hiểu và hỗ trợ bạn theo cách riêng của họ. Tuy nhiên, một số người thích sự riêng tư sẽ muốn tư vấn cá nhân trực tiếp. Hãy nhờ bạn bè, gia đình hoặc một bác sĩ đáng tin cậy giới thiệu những nguồn trợ giúp đó.

Trầm cảm và lo âu

Trầm cảm và lo lâu ở một mức độ nhất định là khá phổ biến ở những người đang phải đối mặt với ung thư tái phát. Nhưng khi một người buồn bã trong thời gian dài hoặc gặp khó khăn với các hoạt động hàng ngày, họ có thể đang bị trầm cảm hoặc lo âu nghiêm trọng và cần được chăm sóc y tế. Những vấn đề này có thể gây ra những bất ổn tinh thần lớn và khiến bạn khó tuân theo lịch trình điều trị. Ngay cả khi bạn bị trầm cảm hoặc lo âu ở mức độ nặng, vẫn có cách để cải thiện tình trạng của bản thân:

  • Bệnh trầm cảm có thể được điều trị và việc điều trị thường có kết quả tốt.
  • Cải thiện các triệu chứng về thể chất và tăng cường vận động có thể giúp tâm trạng tốt lên.
  • Bạn đã từng phải đối mặt với bệnh ung thư một lần và bạn đã học được rất nhiều điều trong quá trình đó. Hãy thử áp dụng lại những điều đã giúp bạn trong lần điều trị trước. Những mối quan hệ tương tự và những kỹ năng ứng phó có được trong quá khứ có thể giúp ích cho bạn trong hiện tại.

Gia đình và bạn bè nên theo dõi các triệu chứng của bất ổn tâm lý. Nếu nhận thấy các triệu chứng trầm cảm hoặc lo âu, họ nên động viên người bệnh tìm sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý.

Sợ chết

Mắc ung thư là điều khó đối mặt ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng đặc biệt khó khăn khi bạn còn trẻ và bạn tin rằng mình còn có một cuộc sống dài, đầy đủ ở phía trước. Hơn nữa, ung thư thường có độ ác tính cao hơn ở những người trẻ tuổi - có nghĩa là bệnh có thể tái phát sớm hơn và khó điều trị hơn.

 Cái chết là một viễn cảnh đau đớn, đòi hỏi phải được suy xét cẩn thận và thậm chí cần có sự chuẩn bị. Trước hết, bạn cần nói chuyện với bác sỹ điều trị của mình để có thể định vị được nỗi sợ hãi và lo lắng của bạn thực tế đến mức nào.

Tuyệt vọng

Có nhiều cách khác nhau để nhìn nhận và nói về bệnh ung thư tái phát. Khi ung thư tái phát, hy vọng của bạn có thể rất khác so với lần đầu bạn được chẩn đoán ung thư.

 Không thể phủ nhận tình hình sẽ nghiêm trọng hơn khi ung thư tái phát, nhưng đối với nhiều người, điều này chỉ đơn giản là việc điều trị sẽ khác đi so với lần đầu. Điều quan trọng là bạn cần trao đổi với bác sỹ, điều dưỡng chăm sóc của mình. Họ sẽ tư vấn cho bạn tình trạng bệnh và quá trình điều trị diễn tiến như thế nào. Có thể bệnh ung thư của bạn không có khả năng chữa khỏi, nhưng có nhiều điều có thể làm để ngăn bệnh tiến triển. Bạn và gia đình bạn nên được biết rõ về mục tiêu của bất kỳ phương pháp điều trị nào.

 

Nguồn: Dịch từ www.cancer.org - Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ

Đường dẫn: https://www.cancer.org/treatment/survivorship-during-and-after-treatment/long-term-health-concerns/recurrence/coping-with-cancer-recurrence.html

Biên dịch: ThS.BS. Lê Công Định, Khoa Chăm sóc giảm nhẹ

                  DS. Đặng Hoài Thu, Khoa Dược

Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng, Phòng Hợp tác quốc tế và Nghiên cứu khoa học

 

Bài viết liên quan