1900 8198

42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tìm kiếm

KHI ĐIỀU TRỊ UNG THƯ KHÔNG CÒN HIỆU QUẢ

22/06/2024 - 03:37

Các phương pháp điều trị có thể giúp ngăn chặn sự phát triển hoặc lan rộng của bệnh ung thư. Tuy nhiên, đôi khi các phương pháp điều trị không hiệu quả hoặc không còn có tác dụng nữa.

Có thể việc điều trị đã kết thúc một thời gian và lúc đầu đã có hiệu quả, nhưng sau đó ung thư tái phát. Hoặc có thể một phương pháp điều trị ung thư đã không còn hiệu quả và căn bệnh tiếp tục phát triển. Trường hợp này được các bác sĩ gọi là ung thư tiến triển hoặc giai đoạn tiến xa.

Có thể có hoặc không có các lựa chọn điều trị khác. Tuy nhiên, khi đã thử nhiều phương pháp điều trị khác nhau và không còn kiểm soát được căn bệnh, có thể đây là lúc cần cân nhắc lợi ích và rủi ro của việc tiếp tục thử các phương pháp điều trị mới.

Đưa ra quyết định tiếp tục hay dừng điều trị ung thư                                               

 

Dưới đây là một số điểm cần xem xét khi trước khi quyết định có tiếp tục điều trị ung thư nữa hay không

Tin tưởng vào đội ngũ y tế của bạn

Việc trò chuyện với bác sĩ, đội ngũ y tế, và tin tưởng rằng họ là những người  trung thực, cởi mở và hỗ trợ là rất quan trọng. Bạn sẽ tự tin hơn trong việc đưa ra quyết định về điều trị nếu tin tưởng vào các đề xuất của bác sĩ. Điều này đồng nghĩa với việc giao tiếp là một phần quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe của bạn, từ việc chẩn đoán cho đến quá trình điều trị và xa hơn nữa.

 


Hãy cố gắng tránh việc hỏi bác sĩ và đội ngũ y tế các câu hỏi như: "Nếu  bác sỹ là tôi thì sẽ làm gì?" hoặc "Nếu ở trong tình trạng của tôi, bác sỹ có thử một phương pháp điều trị khác không?" Thay vào đó, hãy thử hỏi các câu hỏi như: "Bác sỹ có thể cho tôi biết tất cả các lựa chọn điều trị của tôi  không?" và "Dựa trên kinh nghiệm của bác sỹ trong điều trị loại ung thư của tôi, bác sỹ có đề xuất  gì cho tôi?"

Trò chuyện với những người thân

Hãy mở lòng với những người thân  về căn bệnh ung thư của bạn và tin tức mà bạn đã nhận được.

Hãy hỏi họ nếu bạn cảm thấy bạn cần ý kiến của họ. Nếu không, hãy quả quyết rằng bạn muốn tự mình ra quyết định

Cân nhắc tham khảo thêm ý kiến chuyên gia

Khi đối mặt với quyết định liệu có tiếp tục điều trị ung thư hay không, một số bệnh nhân hoặc người thân của họ có thể muốn tham khảo thêm ý kiến của các bác sỹ và chuyên gia khác. Ngay cả khi bạn tin tưởng hoàn toàn vào bác sĩ điều trị và đội ngũ y tế của mình, bạn có thể cân nhắc xem liệu một bác sĩ khác có thể đề xuất thêm điều gì không, hoặc cung cấp thêm thông tin.

Nếu có một phương pháp điều trị khác

Nếu bệnh ung thư của bạn tiếp tục tiến triển hoặc tái phát sau một phương pháp điều trị, có thể có một phương pháp điều trị khác giúp thu nhỏ khối ung thư, hoặc ít nhất giữ cho nó trong tầm kiểm soát đủ để giúp bạn sống lâu hơn và cảm thấy tốt hơn.

Nếu bạn muốn tiếp tục được điều trị càng lâu càng tốt, điều quan trọng là phải cân nhắc về tương quan giữa lợi ích với nguy cơ và tác dụng không mong muốn của phương pháp điều trị tiếp theo. Bác sĩ của bạn có thể giúp ước tính khả năng đáp ứng của  bệnh ung thư của bạn với phương pháp điều trị mà bạn đang cân nhắc là bao nhiêu. Điều quan trọng là phải có kỳ vọng thực tế nếu bạn chọn kế hoạch này. Các lợi ích, nguy cơ, tác dụng không mong muốn, chi phí, lịch trình điều trị và thăm khám, cũng như ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống luôn cần được xem xét và thảo luận.

Đến một giai đoạn nào đó, bạn có thể thấy tiếp tục điều trị không có khả năng cải thiện sức khỏe của bạn hoặc thay đổi kết quả hoặc tỉ lệ sống sót của bạn. Việc điều trị trong tình huống này đôi khi được gọi là điều trị vô ích. Một lần nữa, việc tin tưởng vào đội ngũ y tế của bạn và thảo luận tất cả các lựa chọn với người thân trong giai đoạn khó khăn này là rất quan trọng khi bạn quyết định liệu có tiếp tục điều trị hay không.

Chúng ta có thể làm gì

Chăm sóc giảm nhẹ

Dù bạn lựa chọn tiếp tục điều trị hay không, vẫn có những điều bạn có thể làm để giữ hoặc cải thiện chất lượng cuộc sống của mình. Điều quan trọng là để bạn cảm thấy tốt nhất có thể.

Hãy chắc chắn hỏi và nhận điều trị cho bất kỳ triệu chứng nào bạn có thể gặp phải, như buồn nôn hoặc đau. Chăm sóc giảm nhẹ có thể được áp dụng dù bạn có đang nhận điều trị ung thư hay không, và nó có thể được áp dụng ở bất kỳ giai đoạn nào của căn bệnh. Chăm sóc giảm nhẹ được sử dụng để giúp giảm nhẹ các triệu chứng và tác dụng không mong muốn.

Chăm sóc cuối đời

Vào cuối cuộc đời, việc chăm sóc tập trung vào chất lượng cuộc sống của bạn và giúp bạn kiểm soát các triệu chứng. Chăm sóc cuối đời có nghĩa là kết thúc các liệu pháp như hóa trị và xạ trị, nhưng điều này không có nghĩa là bạn không thể nhận điều trị cho các vấn đề gây ra bởi căn bệnh ung thư hoặc các vấn đề sức khỏe khác. Chăm sóc cuối đời tập trung vào việc sống một cách trọn vẹn nhất có thể và cảm thấy tốt nhất có thể trong thời gian khó khăn này.

Giữ hy vọng

Hi vọng vào một cuộc sống không còn bệnh ung thư có thể không còn tươi sáng nhưng vẫn còn hy vọng vào những khoảnh khắc tốt đẹp cùng gia đình và bạn bè - những khoảnh khắc đầy hạnh phúc và ý nghĩa.

Bây giờ có thể là thời điểm để thực hiện những điều bạn luôn muốn làm và dừng lại những điều bạn không muốn làm nữa. Mặc dù bệnh ung thư có thể nằm ngoài khả năng kiểm soát của bạn, nhưng vẫn còn những điều bạn có thể thực hiện.

Nguồn: Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ www.cancer.org

Đường dẫn: https://www.cancer.org/cancer/managing-cancer/making-treatment-decisions/if-cancer-treatments-stop-working.html

Biên dịch: ThS. Nguyễn Hà My, phòng QLCL-CTXH

Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng, Phòng HTQT&NCKH

 

 

 

Bài viết liên quan