1900 8198

42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tìm kiếm

ĐAU VÀ CÁCH QUẢN LÝ ĐAU Ở BỆNH NHÂN UNG THƯ

22/06/2024 - 03:37

Đau là gì?

Đau là một cảm giác chủ quan, được mô tả là một cảm giác khó chịu gây ra sự không thoải mái một cách không rõ ràng hoặc cực kỳ bất ổn. Cảm giác này có thể như bị dao đâm, đau âm ỉ, đau quặn thắt, đau thành cơn, hoặc đau buốt lan tỏa. Đau có thể khiến hạn chế các hoạt động, gây chán ăn, mất ngủ, và có thể khiến bạn cảm thấy lo lắng hoặc trầm cảm.

Đau có thể tồn tại dưới dưới dạng cấp tính hoặc mãn tính. Đau cấp tính là tình trạng đau tạm thời và diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn. Thường đau cấp tính có tính chất cục bộ tại một vị trí và có thể dễ dàng mô tả. Đau mạn tính diễn ra trong thời gian dài, không phải lúc nào cũng đau tại một vị trí và thường khó mô tả hơn. Thông thường những bệnh nhân đau mãn tính "trông không giống như họ đang đau."

Nguyên nhân gây ra đau là gì?

Đau xảy ra khi các mô của cơ thể bị tổn thương. Một số nguyên nhân thường gặp như:

· Ung thư hoặc khối u chèn ép hoặc gây tổn thương các cơ quan, dây thần kinh hoặc xương.

· Một số liệu pháp điều trị ung thư như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và các yếu tố tăng trưởng.

· Các bệnh lý khác (chẳng hạn như viêm khớp).

· Nhiễm trùng.

· Thuyên tắc mạch máu.

· Vết thương cấp tính.


Hình 1. Đau do ung thư (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)

Khi nào người bệnh nên liên hệ với bác sĩ?

Người bệnh nên liên hệ với bác sĩ trong trường hợp:

· Triệu chứng đau mới xuất hiện, đặc biệt khi triệu chứng đau này kéo dài liên tục hoặc có cường độ nặng.

· Cơn đau nặng lên hoặc xảy ra thường xuyên hơn.

· Đau không đỡ sau khi uống thuốc giảm đau hoặc xuất hiện trở lại trước liều thuốc giảm đau tiếp theo.

· Các tác dụng phụ của thuốc giảm đau khiến bạn cảm thấy khó chịu (chẳng hạn như buồn ngủ, buồn nôn, táo bón).

· Đau đi kèm cảm giác tê bì, châm chích hoặc yếu tay hoặc chân, khó khăn trong vận động đi lại, tiểu tiện hoặc đại tiện.

Thang điểm đau

Hình 2. Thang điểm đau
(Nguồn ảnh: https://vinmecdr.com/cac-thang-diem-danh-gia-dau-va-ung-dung-lam-sang/)

Thang điểm đau là một công cụ được thiết kế để mô tả mức độ đau. Thang điểm đau được sử dụng nhằm giúp điều trị đau một cách chính xác. Hiện có một số thang điểm đau tuy nhiên thang điểm số từ 0 đến 10 là loại thang được sử dụng nhiều nhất. Thang điểm trải từ 0 đến 10, trong đó 0 có nghĩa là không đau và 10 có nghĩa là đau ở mức độ cao nhất.

Một thang điểm đau khác được sử dụng phổ biến cho trẻ em và những người có khó khăn trong việc sử dụng thang điểm số là thang điểm “khuôn mặt”. Thang có các nét mặt khác nhau và bệnh nhân sẽ chọn nét mặt mô tả chính xác nhất mức độ họ cảm nhận về cơn đau của mình.

Đau được điều trị như thế nào?

Thuốc là giải pháp thường được sử dụng để điều trị các cơn đau liên quan đến ung thư. Bạn không nên tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào, kể cả các thuốc không kê đơn, trước khi trao đổi với bác sĩ. Một số thuốc có thể có các tác dụng không mong muốn nguy hiểm đối với người bệnh ung thư. Tham khảo các thuốc thường được sử dụng tại đây.

Hãy nhớ rằng: Không uống bất kỳ loại thuốc nào, kể cả các thuốc không cần kê đơn, trước khi trao đổi với bác sĩ. Chỉ uống thuốc theo đơn của bác sĩ.

Tôi nên uống thuốc giảm đau với tần suất như thế nào?

Hình 3. Thuốc là giải pháp thường được sử dụng để điều trị các cơn đau liên quan đến ung thư
(Nguồn ảnh: https://www.health.harvard.edu/)

· Hãy uống thuốc theo hướng dẫn trong đơn của bác sĩ. Đa số các thuốc giảm đau bắt đầu có tác dụng từ 30 đến 60 phút sau khi uống. Các thuốc khác, như thuốc chống co giật, chống trầm cảm được sử dụng trong điều trị một số loại đau có thể chỉ bắt đầu có tác dụng sau một vài ngày.

· Điều quan trọng là bạn cần uống thuốc ngay khi cảm nhận thấy cơn đau. Nếu đợi đến khi cơn đau tăng lên, khi đó bạn sẽ cần uống nhiều thuốc hơn và cần nhiều thời gian hơn để kiểm soát cơn đau.

· Nếu bạn cần uống thuốc giảm đau gây nghiện nhiều lần trong ngày, bác sĩ có thể sẽ kê đơn cho bạn loại thuốc tác dụng kéo dài.

· Bạn nên ghi chép lại thời gian uống thuốc giảm đau và hiệu quả giảm đau của thuốc sau mỗi lần uống. Chia sẻ với bác sĩ thông tin này sẽ giúp họ biết liệu họ có đang quản lý tốt cơn đau của bạn hay không.

Liệu tôi có thể bị nghiện thuốc giảm đau không?

· Không. Nghiện thuốc xảy ra khi sử dụng và lạm dụng thuốc không nhằm mục đích chữa bệnh. Bạn đang sử dụng thuốc để kiểm soát đau, đây là mục đích bạn dùng thuốc, và bạn đang dùng thuốc theo đơn của bác sĩ.

· Bất kỳ ai dùng thuốc giảm đau gây nghiện thường xuyên đều có thể gặp các triệu chứng nếu dừng thuốc đột ngột. Các triệu chứng này có thể tránh được bằng cách giảm liều từ từ thuốc giảm đau theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Tôi có thể lái xe trong thời gian dùng thuốc giảm đau không?

Một số thuốc giảm đau có thể khiến bạn rơi vào trạng thái lơ mơ. Bác sĩ có thể không khuyến cáo bạn lái xe trong thời gian dùng các thuốc này. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi lái xe. Tránh hoặc hạn chế sử dụng đồ uống có cồn hoặc các thuốc an thần bởi chúng có thể làm tăng trạng thái buồn ngủ, đặc biệt là khi được sử dụng kết hợp với thuốc giảm đau.

Liệu có các phương pháp điều trị đau khác không?

Có, có nhiều phương pháp điều trị đau khác ngoài việc dùng thuốc:

· Nếu đau gây ra bởi khối u, bác sĩ có thể khuyến cáo các liệu pháp điều trị như phẫu thuật, hóa trị, hoặc xạ trị để loại bỏ khối u hoặc giảm kích thước khối u.

· Gây tê chặn thần kinh (phong bế thần kinh) là phương pháp tiêm thuốc vào hoặc xung quanh dây thân kinh gây ra cảm giác đau.

· Các phương pháp giảm đau khác là:

o Chườm nóng hoặc chườm lạnh.

o Mát xa.

o Châm cứu và bấm huyệt.

o Các kỹ thuật thư giãn.

o Tưởng tượng có định hướng (guided imaginery)

o Phản hồi sinh học.

o Thôi miên.

o Tư vấn.

o Các hoạt động khiến phân tán sự chú ý của bạn (xem tivi, nghe nhạc.)

Cơn đau bộc phát

Cơn đau bộc phát (Breakthrough pain, BTP) là cơn đau khởi phát đột ngột với cường độ cao trong thời gian sử dụng thuốc giảm đau tác dụng kéo dài để điều trị tình trạng đau mạn tính. Các cơn đau bộc phát này có thể xảy ra do bản thân bệnh lý, liệu pháp điều trị hoặc các yếu tố không liên quan khác như làm việc nhà hoặc các hoạt động khác quá sức.

Các cơn đau bộc phát cũng có thể xảy ra gần thời điểm cuối của liều thuốc giảm đau tác dụng kéo dài, điều này có nghĩa là mức liều thuốc tác dụng kéo dài này có thể không đủ. Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn gặp phải trường hợp này.

Điều trị đau bộc phát như thế nào?

Đau bộc phát, cũng giống như hầu hết các loại đau khác, có thể được kiểm soát nếu được theo dõi và xử trí thích hợp. Loại đau này khác với đau dai dẳng và cần có phương án điều trị khác. Các thuốc điều trị đau bộc phát chỉ được dùng khi có cơn đau, ngay sau khi xuất hiện triệu chứng đau. Chúng thường được kê đơn phối hợp với các thuốc giảm đau tác dụng kéo dài.

Điều gì xảy ra nếu đau bộc phát không được điều trị một cách hiệu quả?

Đau bộc phát không được điều trị có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn. Nếu không được điều trị, các cơn đau bộc phát có thể khiến bạn cảm thấy tồi tệ, ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày và thậm chí gây gián đoạn lịch trình điều trị của bạn.

Như đã phân tích ở trên, bạn cần phải liên hệ với bác sĩ trong trường hợp bạn có:

· Triệu chứng đau mới xuất hiện, đặc biệt khi triệu chứng đau này kéo dài liên tục hoặc có cường độ nặng.

· Cơn đau nặng lên hoặc xảy ra thường xuyên hơn.

· Đau không cải thiện sau khi uống thuốc giảm đau hoặc xuất hiện trở lại trước liều thuốc giảm đau tiếp theo.

· Các tác dụng phụ của thuốc giảm đau khiến bạn cảm thấy khó chịu (chẳng hạn như buồn ngủ, buồn nôn, táo bón).

· Đau đi kèm với cảm giác tê bì, châm chích hoặc yếu tay hoặc chân, khó khăn trong việc đi lại, tiểu tiện hoặc đại tiện.

Đau do ung thư và điều trị ung thư thường gây ra nhiều khó khăn nhưng hoàn toàn có thể được điều trị hiệu quả trong nhiều trường hợp. Bạn đừng ngần ngại mà hãy trao đổi với bác sĩ về bất kỳ vấn đề nào trong quản lý đau mà bạn đang gặp phải.

Nguồn: Trang thông tin dành cho bệnh nhân ung thư Oncolink: https://www.oncolink.org

Đường dẫn: https://www.oncolink.org/support/side-effects/pain-management/understanding-and-managing-pain

Biên dịch: DS. Chu Hà My - Khoa Dược, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

Hiệu đính: ThS. BS. Nguyễn Thanh Hằng - Phòng Hợp tác quốc tế và Nghiên cứu khoa học, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

 

 

Bài viết liên quan