1900 8198

42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tìm kiếm

CÁC PHƯƠNG PHÁP SINH THIẾT VÀ XÉT NGHIỆM TẾ BÀO HỌC ĐỂ PHÁT HIỆN UNG THƯ

22/06/2024 - 03:37

SINH THIẾT

Các mẫu mô hoặc tế bào có thể được lấy ở hầu hết các bộ phận trên cơ thể. Phương pháp lấy mẫu sẽ phụ thuộc vào vị trí của khối u và loại ung thư nghi ngờ. Ví dụ, phương pháp sinh thiết da sẽ rất khác biệt với phương pháp sinh thiết não.

Một số phương pháp sinh thiết cần phải thực hiện cắt bỏ toàn bộ cơ quan. Phương pháp này chỉ được thực hiện bởi bác sĩ phẫu thuật. Các phương pháp sinh thiết khác sẽ lấy mẫu khối u bằng kim nhỏ hoặc qua nội soi (phương pháp này sử dụng ống mềm có gắn đèn để đưa vào cơ thể). Các phương pháp sinh thiết này thường được thực hiện bởi các bác sĩ phẫu thuật, tuy nhiên cũng có thể được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa khác.

Sinh thiết kim

Có 2 loại sinh thiết kim:

  • Sinh thiết bằng kim nhỏ (còn gọi là chọc hút bằng kim nhỏ)
  • Sinh thiết lõi kim (còn gọi là sinh thiết lõi)

Chọc hút bằng kim nhỏ

Chọc hút bằng kim nhỏ (FNA) là phương pháp sinh thiết sử dụng kim mỏng, rỗng gắn với bơm kim tiêm để lấy một lượng nhỏ dịch hoặc các mảnh mô rất nhỏ từ khối u. Bác sĩ có thể chọc kim khi sờ thấy khối u ở nông trên bề mặt cơ thể. Nếu khối u nằm sâu trong cơ thể và không thể sờ thấy, bác sĩ có thể chọc kim dưới hướng dẫn của một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như siêu âm hoặc cắt lớp vi tính.

 

Xét nghiệm Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ. Nguồn: beta.mountelizabeth.com.sg

Ưu điểm chính của FNA là không cần phải cắt bỏ khối u và trong một số trường hợp có thể chẩn đoán ngay trong ngày. Tuy nhiên, nhược điểm của FNA là đôi khi kim không lấy đủ mô u để chẩn đoán xác định. Mặc dù FNA là một phương pháp sinh thiết nhưng cũng được phân loại là một xét nghiệm tế bào học.

Sinh thiết lõi

Sinh thiết lõi ở thận dưới hướng dẫn của siêu âm và cắt lớp vi tính. Nguồn: mayoclinic.org

Kim dùng trong sinh thiết lõi lớn hơn kim dùng trong FNA một chút. Dùng loại kim này sẽ lấy được một mảnh mô nhỏ hình trụ (đường kính khoảng 1.6mm và dài khoảng 12.7mm). Sinh thiết lõi kim được thực hiện tại cơ sở y tế và người bệnh sẽ được gây tê cục bộ. Tương tự như FNA, bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết lõi với các khối u sờ thấy được hoặc nhờ tới sự hỗ trợ của chẩn đoán hình ảnh.

Đôi khi, bác sĩ có thể sử dụng công cụ hút chân không đặc biệt để lấy được mẫu mô lớn hơn ở mô vú.

Vì xử lý mẫu mô lấy được từ sinh thiết lõi thường lâu hơn so với FNA nên thời gian có kết quả của sinh thiết lõi cũng lâu hơn.

Sinh thiết qua phẫu thuật cắt toàn bộ hoặc một phần khối u

Trong phương pháp sinh thiết này, bác sĩ sẽ phẫu thuật để lấy toàn bộ khối u (sinh thiết qua phẫu thuật cắt toàn bộ khối u) hoặc một phần nhỏ của khối u (sinh thiết qua phẫu thuật cắt một phần khối u). Khi sinh thiết bằng phương pháp này, người bệnh thường được gây tê cục bộ (thuốc tê sẽ được tiêm vào vị trí khối u). Nếu khối u nằm trong lồng ngực hoặc ổ bụng, người bệnh sẽ được gây mê toàn thân (thuốc mê sẽ khiến người bệnh ngủ sâu mà không thấy đau đớn).

Sinh thiết qua nội soi

Sinh thiết qua nội soi thực quản - dạ dày. Nguồn: choc.org

Ống nội soi là một ống mỏng, mềm, ở đầu có gắn đèn và máy quay. Thiết bị này có thể giúp bác sĩ quan sát các vùng khác nhau bên trong cơ thể. Bác sĩ cũng có thể thu thập các mẫu mô bằng ống nội soi.

Các loại ống nội soi khác nhau được sử dụng để quan sát các phần khác nhau của cơ thể. Ví dụ, có loại ống nội soi được sử dụng để quan sát bên trong mũi, các xoang và họng. Có loại ống nội soi khác được sử dụng để quan sát đường tiêu hóa trên: thực quản (cơ quan nối liền họng với dạ dày), dạ dày và đoạn đầu của ruột.

Một số ống nội soi được gọi tên theo vị trí quan sát. Ví dụ, ống soi phế quản được sử dụng để quan sát bên trong phổi và phế quản, ống soi đại tràng được sử dụng để quan sát bên trong đại trực tràng (ruột già).

Sinh thiết qua nội soi ổ bụng, lồng ngực và trung thất

Nội soi ổ bụng giống như nội soi nhưng sử dụng một ống soi hơi khác để quan sát bên trong ổ bụng và lấy mẫu mô. Bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở bụng để đưa ống nội soi vào trong. Các thủ thuật như trên dùng để quan sát bên trong ngực được gọi là nội soi lồng ngực và nội soi trung thất.

Sinh thiết qua phẫu thuật mở bụng và lồng ngực

Phẫu thuật mở bụng thường được thực hiện bằng một đường rạch bụng từ trên xuống dưới. Phẫu thuật này thường được thực hiện khi vùng nghi ngờ không thể được chẩn đoán bằng các xét nghiệm đơn giản hơn (như sinh thiết kim hoặc nội soi ổ bụng).

Trong quá trình phẫu thuật mở bụng, bác sĩ có thể lấy mẫu sinh thiết từ vùng nghi ngờ. Ngoài ra, bác sĩ có thể quan sát kích thước và vị trí của vùng nghi ngờ cũng như kiểm tra các mô xung quanh. Người bệnh sẽ được gây mê toàn thân (thuốc mê sẽ khiến người bệnh ngủ sâu mà không thấy đau đớn). Phẫu thuật tương tự ở lồng ngực được gọi là phẫu thuật mở lồng ngực.

Sinh thiết da

Có nhiều cách để sinh thiết da. Bác sĩ sẽ chọn cách phù hợp nhất với khối u da nghi ngờ. Sinh thiết cạo giúp lấy lớp ngoài của da, phù hợp với một số ung thư tế bào vảy hoặc ung thư tế bào đáy của da, tuy nhiên đây không phải là cách thường được dùng cho các trường hợp nghi ngờ ung thư tế bào hắc tố của da. Sinh thiết bấm hoặc sinh thiết qua phẫu thuật cắt toàn bộ khối u (đã được đề cập ở trên) giúp lấy các lớp sâu hơn của da, có thể được sử dụng để phát hiện mức độ xâm lấn trên da của ung thư tế bào hắc tố - một yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn phương pháp điều trị đối với loại ung thư này.

Lập bản đồ và sinh thiết hạch gác

Lập bản đồ hạch bạch huyết giúp bác sĩ phẫu thuật biết được cần lấy hạch nào để làm sinh thiết. Lập bản đồ và sinh thiết hạch gác đã trở thành cách phổ biến để phát hiện ung thư đã di căn hạch hay chưa (đặc biệt là ung thư tế bào hắc tố hoặc ung thư vú). Thủ thuật này có thể phát hiện các hạch bạch huyết dẫn lưu dịch bạch huyết từ vị trí ung thư nguyên phát. Nếu ung thư đã lan tràn thì những hạch bạch huyết này thường là vị trí đầu tiên mà ung thư di căn tới. Điều này giải thích tại sao những hạch này được gọi là hạch gác.

Để tìm hạch gác (hoặc nhóm hạch gác), bác sĩ sẽ tiêm một lượng nhỏ chất phóng xạ năng lượng thấp vào vùng ung thư. Nhờ việc kiểm tra các vùng hạch khác nhau bằng máy phát hiện phóng xạ (như máy đếm Geiger), bác sĩ có thể phát hiện nhóm hạch mà ung thư có khả năng cao di căn tới nhất. Sau đó, bác sĩ sẽ tiêm một lượng nhỏ thuốc nhuộm xanh vô hại vào vị trí ung thư.

Sau khoảng một giờ, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ trên da để quan sát vùng hạch bạch huyết được phát hiện bằng xét nghiệm phóng xạ. Sau đó, bác sĩ sẽ kiểm tra xem hạch nào bắt màu xanh hoặc phát xạ. (Đôi khi thuốc nhuộm và chất phóng xạ có thể được trộn với nhau hoặc cũng có thể sử dụng riêng rẽ).

Hạch gác được tìm thấy sẽ được cắt bỏ (sinh thiết qua phẫu thuật cắt toàn bộ hạch) và quan sát dưới kính hiển vi. Nếu không phát hiện tế bào ung thư ở hạch gác, bác sĩ sẽ không cắt bỏ các hạch khác vì rất ít khả năng ung thư lan tràn tới đây. Ngược lại, nếu phát hiện tế bào ung thư ở hạch gác, các hạch còn lại trong vùng cũng sẽ được cắt bỏ và quan sát dưới kính hiển vi. Đây được gọi là nạo vét hạch bạch huyết.

XÉT NGHIỆM TẾ BÀO HỌC

Xét nghiệm chẩn đoán bệnh bằng việc quan sát các tế bào đơn lẻ và các cụm tế bào nhỏ được gọi là xét nghiệm tế bào học.

So với xét nghiệm sinh thiết mô, xét nghiệm tế bào học thường:

  • Dễ lấy hơn
  • Ít gây khó chịu cho người bệnh
  • Ít gây ra các biến chứng nghiêm trọng
  • Chi phí thấp hơn

Nhược điểm của xét nghiệm tế bào học là trong một số trường hợp, kết quả sinh thiết mô có độ chính xác cao hơn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, xét nghiệm tế bào dịch cơ thể cũng có thể có độ chính xác tương tự.

Xét nghiệm tế bào học có thể được sử dụng để chẩn đoán hoặc sàng lọc:

  • Xét nghiệm chẩn đoán chỉ được chỉ định cho những người có dấu hiệu, triệu chứng hoặc một số lí do khác nghi ngờ họ có thể mắc bệnh (ví dụ: ung thư). Xét nghiệm chẩn đoán sẽ xác định họ có bệnh hay không và phân loại bệnh một cách chính xác.
  • Xét nghiệm sàng lọc được sử dụng để phát hiện những người có thể mắc một số bệnh nhất định ngay cả khi họ chưa xuất hiện triệu chứng. Xét nghiệm sàng lọc được kỳ vọng sẽ phát hiện gần như tất cả những người có khả năng mắc bệnh, tuy nhiên không phải lúc nào xét nghiệm sàng lọc cũng có thể phát hiện ra bệnh.

Thông thường, xét nghiệm chẩn đoán sẽ được sử dụng khi kết quả xét nghiệm sàng lọc dương tính (nghĩa là xét nghiệm sàng lọc có kết quả bất thường). Một số xét nghiệm tế bào học chủ yếu được sử dụng để sàng lọc (ví dụ như xét nghiệm Pap), trong khi đó, một số khác có thể xác định chính xác ung thư (xem mục “Cạo hoặc chải tế bào” phía dưới). Khi kết quả tế bào học cho thấy có ung thư, bác sĩ thường sẽ chỉ định thêm xét nghiệm sinh thiết mô để khẳng định chẩn đoán trước khi bắt đầu điều trị.

Xét nghiệm tế bào học dịch cơ thể

Dịch từ các khoang tự nhiên trong cơ thể có thể được lấy để làm xét nghiệm phát hiện tế bào ung thư, bao gồm:

  • Nước tiểu
  • Đờm
  • Dịch tuỷ sống, hay còn gọi là dịch não tuỷ hoặc CSF (từ khoang bao quanh não và tuỷ sống)
  • Dịch màng phổi (từ khoang màng phổi)
  • Dịch màng ngoài tim (từ khoang màng tim)
  • Dịch cổ trướng, hay còn gọi là dịch màng bụng (từ ổ bụng)

Cạo hoặc chải tế bào

Xét nghiệm Pap cổ tử cung. Nguồn: cervicalscreening.gov.hk

Kỹ thuật tế bào học này thu thập tế bào bằng việc cạo hoặc chải nhẹ bề mặt của cơ quan hoặc mô cần xét nghiệm. Xét nghiệm tế bào học sử dụng kỹ thuật này được biết đến nhiều nhất là xét nghiệm Pap. Bác sĩ sẽ sử dụng que dẹt và/hoặc chổi nhỏ để lấy tế bào ở cổ tử cung (phần dưới của tử cung) để làm xét nghiệm Pap. Cạo hoặc chải tế bào cũng có thể được thực hiện tại thực quản, dạ dày, phế quản và miệng.

 

Nguồn: Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ - www.cancer.org

Đường dẫn: https://www.cancer.org/treatment/understanding-your-diagnosis/tests/testing-biopsy-and-cytology-specimens-for-cancer/cytology-types.html

https://www.cancer.org/treatment/understanding-your-diagnosis/tests/testing-biopsy-and-cytology-specimens-for-cancer/biopsy-types.html

Biên dịch: BS. Đào Thanh Lan, Khoa Giải phẫu bệnh – Tế bào

Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng – Phòng Hợp tác Quốc tế và Nghiên cứu Khoa học

 

Bài viết liên quan