1900 8198

42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tìm kiếm

CÁC BỆNH UNG THƯ THƯỜNG GẶP Ở NAM GIỚI

22/06/2024 - 03:37

Ở Việt Nam, theo số liệu của GLOBOCAN mới nhất, các lại ung thư mắc phổ biến hàng đầu ở nam giới gồm có: 1. Ung thư gan, 2. Ung thư phổi, 3. Ung thư dạ dày, 4. Ung thư đại trực tràng, 5. Ung thư tiền liệt tuyến. Hiểu biết về những bệnh ung thư này, và cách phòng tránh và phát hiện sớm (khi khối u còn nhỏ, chưa lan rộng, và có thể dễ điều trị hơn) là rất cần thiết.

1. Ung thư gan

Ung thư gan là loại ung thư khởi phát từ các tế bào của gan. Theo thống kê của Trung tâm nghiên cứu quốc tế về Ung thư, Ung thư gan là loại ung thư có tỉ lệ mắc cao nhất và cũng là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong các loại ung thư ở Việt Nam. Một số có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan bao gồm: viêm gan virus (viêm gan B hoặc viêm gan C), xơ gan, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, bệnh xơ gan mật nguyên phát, các bệnh rối loại chuyển hóa di truyền, nghiện rượu, nghiện thuốc lá, béo phì, đái tháp đường typ II, nhiễm độc aflatoxins.

Bạn có thể làm gì?

Phòng và điều trị viêm gan B, C. Trên toàn thế giới, nguyên nhân hàng đầu của ung thư gan là viêm gan B và viêm gan C mạn tính. Hai bệnh viêm gan này có thể lây truyền từ người sang người qua đường tình dục không an toàn, đường máu và từ mẹ sang con trong quá trình sinh đẻ. Do đó ung thư gan có thể tránh được bằng cách:

- Không sử dụng chung kim tiêm

- Quan hệ tình dục an toàn (chẳng hạn như sử dụng bao cao su)

- Tiêm phòng viêm gan B (hiện nay chưa có vaccin phòng viêm gan C)

- Nếu đã được chẩn đoán là viêm gan B, C mạn tính, bạn cần điều trị để giảm lượng virus lưu hành trong máu, qua đó làm giảm nguy cơ ung thư gan.

Hạn chế sử dụng rượu là một cách để phòng tránh ung thư gan. Nghiện rượu có thể dẫn tới xơ gan, và sau đó sẽ chuyển thành ung thư gan. Do đó, không uống rượu hoặc chỉ uống ít rượu có thể phòng ung thư gan.

Thuốc lá là nguyên nhân không chỉ của ung thư gan mà còn là nguyên nhân của nhiều loại ung thư khác. Nếu bạn nghiện thuốc lá, hãy bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt. Điều này sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư khác nhau, trong đó có ung thư gan.

Duy trì cân nặng khỏe mạnh sẽ giúp bạn tránh béo phì và bệnh gan nhiễm mỡ, qua đó giúp bạn giảm nguy cơ mắc ung thư gan.

Một số xét nghiệm tầm soát cũng có thể giúp bạn phát hiện ung thư gan ở giai đoạn sớm, khi khối u còn nhỏ và dễ dàng điều trị hơn. Các xét nghiệm này nên được tiến hành trên những đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư gan. Các xét nghiệm này bao gồm: xét nghiệm nồng độ AFP máu và siêu âm định kỳ 6 tháng một lần. AFP hay alpha – fetoprotein là một loại protein trong máu. Thông thường, ở người khỏe mạnh sẽ có một nồng độ nhỏ của AFP. Nhưng khi một người mắc các bệnh về gan, đặc biệt là ung thư gan thì chất này sẽ xuất hiện nhiều hơn trong máu. Do đó xét nghiệm AFP có thể dự đoán một người có khả năng mắc ung thư gan hay không.

2. Ung thư phổi

Ung thư phổi thường là do phơi nhiễm với hóa chất và các hạt trong không khí. Mặc dù hút thuốc là là nguyên nhân hàng đầu của ung thư phổi, không phải tất cả những người bị ung thư phổi đều là những người hút thuốc. Một số bệnh nhân có thể đã từng hút thuốc, và một số chưa bao giờ hút thuốc.

Bạn có thể làm gì?

Không phải  tất cả các bệnh ung thư phổi đều có thể phòng ngừa. Nhưng có những điều bạn có thể làm sẽ góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh.

Nếu bạn không hút thuốc, đừng bắt đầu hút, và tránh hít phải khói thuốc của người khác.

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo nên khám sàng lọc cho những người có nguy cơ cao bị ung thư phổi.

Nếu bạn vẫn đang hút thuốc, hãy trao đổi với nhân viên y tế về nguy cơ ung thư phổi của bạn, cách để cai thuốc, những lợi ích, hạn chế và tác hại có thể có của việc tầm soát ung thư phổi và những nơi bạn có thể khám tầm soát.

Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội là địa chỉ uy tín chuyên khám tầm soát phát hiện sớm các bệnh ung thư 

 

3. Ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày cũng là một loại ung thư thường gặp ở nam giới. Ở Việt Nam, ung thư dạ dày xếp hàng thứ 3 trong số các bệnh ung thư cả về tỉ lệ mắc và tỉ lệ tử vong

Bạn có thể làm gì?

Các nhà khoa học đã tìm ra rất nhiều yếu tố nguy cơ của ung thư dạ dày, trong đó có nhiều yếu tố là có thể kiểm soát được. Các yếu tố có thể kiểm soát được bao gồm:

- Nhiễm vi khuẩn H.P (Helicobacter pylori) được xem là nguyên nhân chính gây ung thư dạ dày, đặc biệt là ung thư ở phần thấp của dạ dày. Việc nhiễm vi khuẩn này trong thời gian dài có thể dẫn tới viêm tẹo dạ dày và những thay đổi tiền ung thư khác của lớp niêm mạc bao bọc bên trong lòng dạ dày. Do đó điều trị nhiễm trùng H.P cũng như điều trị viêm dạ dày sẽ giúp giảm nguy cơ mắc ung thư dạ dày

- Béo phì và thừa cân cũng liên quan tới tỉ lệ ung thư dạ dày. Bạn nên duy trì cân nặng hợp lý để giảm nguy cơ mắc ung thư dạ dày (cũng như các loại bệnh lý khác).

- Nguy cơ ung thư dạ dày tăng lên ở những người có chế độ ăn nhiều thực phẩm ướp muối (chẳng hạn cá muối, thịt muối và rau muối). Các loại thực phẩm nướng và các loại thịt hộp cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Chế độ ăn ít trái cây cũng làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, ngược lại, chế độ ăn nhiều trái cây tươi (đặc biệt là trái cây họ cam quýt) và rau sống có thể làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày. Do đó, để giảm nguy cơ ung thư dạ dày bạn nên có một chế độ ăn nhiều trái cây và rau xanh, hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều muối, các loại thịt chế biến sẵn hoặc các loại thực phẩm nướng.

- Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Ở những người hút thuốc lá nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn 2 lần so với những người không hút thuốc. Do đó bạn nên bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt.

4. Ung thư đại trực tràng

Ung thư đại trực tràng là loại ung thư khởi phát từ đại tràng hoặc trực tràng. Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng bao gồm: thừa cân hoặc béo phì, lối sống tĩnh tại, chế độ ăn nhiều thịt đỏ và thịt đóng hộp, nghiện rượu, thuốc lá, lớn tuổi, và có tiền sử cá nhân hoặc tiền sử gia đình mắc ung thư đại trực tràng hoặc đa polyp.

Bạn có thể làm gì?

Tầm soát thường xuyên là một trong những vũ khí mạnh mẽ nhất để chống lại ung thư đại trực tràng. Hầu hết ung thư đại trực tràng phát triển từ một polyp – một khối u nhỏ phát triển bên trong lòng đại trực tràng. Tầm soát có thể giúp phát hiện sớm các ung thư đại trực tràng khi chúng còn nhỏ, chưa phát triển và có thể dễ dàng điều trị hơn.

Một số xét nghiệm tầm soát cũng có thể giúp phòng bệnh bằng các tìm và loại bỏ các polyp trước khi chúng chuyển thành ung thư.

Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo những người có nguy cơ trung bình mắc ung thư đại trực tràng nên làm những điều sau:

· Cả nam và nữ giới nên bắt đầu tầm soát định kỳ ở tuổi 45

· Những người có sức khỏe tốt và kỳ vọng sống thêm trên 10 năm nên tiếp tục tầm soát định kỳ cho tới 75 tuổi.

· Những người ở độ tuổi từ 76 đến 85, quyết định sàng lọc nên được quyết định dựa vào nguyện vọng, kỳ vọng sống thêm, sức khỏe chung và tiền sử sàng lọc trước đó.

· Những người trên 85 tuổi không cần làm sàng lọc ung thư đại trực tràng.

Việc tầm soát có thể được thực hiện bằng một xét nghiệm có độ nhạy cao là xét nghiệm phân hoặc nội soi đại trực tràng. Các chỉ định được liệt kê dưới đây

Các xét nghiệm phân

  • Xét nghiệm phân hóa miễn dịch có độ nhạy cao (FIT) hàng năm, hoặc
  • Xét nghiệm máu ẩn trong phân Guaiac (gFOBT) hàng năm, hoặc
  •  Xét nghiệm DNA trong phân 3 năm một lần

Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh đại trực tràng

  • Nội soi đại trực tràng 10 năm một lần, hoặc
  • Chụp cắt lớp vi tính dựng hình đại tràng (nội soi đại tràng ảo) 5 năm một lần, hoặc
  • Nội soi đại tràng xích ma ống mềm 5 năm một lần.

*Nếu một người lựa chọn kiểm tra bằng một xét nghiệm không phải nội soi đại tràng và có kết quả bất thường thì sau đó nên được theo dõi bằng nội soi.

Những người có nguy cơ cao mắc ung thư đại trực tràng vì tiền sử gia đình và/hoặc tiền sử bản thân hoặc các yếu tố nguy cơ khác cần phải: bắt đầu khám sàng lọc trước 45 tuổi, khám sàng lọc thường xuyên hơn hoặc làm các xét nghiệm chuyên sâu.

Bệnh nhân cần trao đổi với nhân viên y tế về các yếu tố nguy cơ của họ để biết khi nào nên bắt đầu khám sàng lọc. Có một vài khác biệt giữa các xét nghiệm kể trên cần được xem xét, nhưng điều quan trọng nhất là cần khám sàng lọc, cho dù bệnh nhân lựa chọn xét nghiệm nào. Bệnh nhân nên trao đổi với nhân viên y tế về loại xét nghiệm nào là lựa chọn tối ưu và loại xét nghiệm nào được bảo hiểm chi trả.

5. Ung thư tiền liệt tuyến

Ung thư tiền liệt tuyến đứng hàng thứ 5 trong các ung thư phổ biến ở nam giới tại việt nam. Tuổi càng cao thì nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến càng tăng. Hầu hết ung thư tiền liệt tuyến được phát hiện ở những người trên 65 tuổi. Có một hoặc nhiều người thân mắc ung thư tiền liệt tuyến cũng là yếu tố nguy cơ của ung thư tiền liệt tuyến.

Bạn có thể làm gì?

Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những bệnh ung thư thường gặp ở nam giới

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo nam giới nên trao đổi với các bác sĩ để đưa ra quyết định có nên tầm soát ung thư tuyến tiền liệt hay không.

Bạn nên quyết định sau khi đã nắm được các thông tin về rủi ro và lợi ích của việc tầm soát ung thư tiền liệt tuyến. Bệnh nhân không nên sàng lọc nếu như chưa được nhận đầy đủ các thông tin này. Các trường hợp sau nên được sàng lọc về ung thư tiền liệt tuyến:

· Những người trên 50 tuổi có nguy cơ mắc tiền liệt tuyến ở mức trung bình và kỳ vọng sống thêm từ 10 năm trở lên.

· Những người từ 45 tuổi trở lên có nguy cơ cao mắc ung thư tiền liệt tuyến. bao gồm:  những người có người thân trong 1 thế hệ (cha hoặc anh trai) được chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến khi còn trẻ (dưới 65 tuổi).

· Những người từ 40 tuổi có nguy cơ rất cao mắc ung thư tiền liệt tuyến: những người có nhiều hơn một người thân trong 1 thế hệ mắc ung thư tiền liệt tuyến khi còn trẻ.

Bệnh nhân sẽ được sàng lọc bằng xét nghiệm PSA máu (kháng nguyên tuyến tiền liệt). Khám trực tràng cũng có thể được thực hiện như một phần của quá trình sàng lọc. Tần suất khám sàng lọc sẽ phụ thuộc vào nồng độ PSA, tình trạng sức khỏe chung, nguyện vọng và nhu cầu của bệnh nhân.

Tài liệu tham khảo: www.cancer.org Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ

Đường dẫn: https://www.cancer.org/healthy/cancer-facts/cancer-facts-for-men.html

Biên dịch và tổng hợp: BSNT. Phạm Anh Đức - Đơn nguyên Xạ trị Theo yêu cầu

Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng - Phòng HTQT&NCKH

Bài viết liên quan