1900 8198

42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tìm kiếm

BỆNH LÝ THẦN KINH NGOẠI BIÊN DO HÓA TRỊ LIỆU (CINP)

22/06/2024 - 03:37

    Bệnh lý thần kinh ngoại biên là một tập hợp các triệu chứng do tổn thương các dây thần kinh bên ngoài não và tủy sống. Các dây thần kinh này được gọi là dây thần kinh ngoại biên. Chúng dẫn truyền cảm giác (cảm nhận từ những phần khác nhau của cơ thể) đến não và điều khiển hoạt động của tay và chân. Chúng cũng kiểm soát hoạt động của bàng quang và ruột.

Nếu mắc bệnh lý thần kinh ngoại biên, bạn có thể có một số cảm giác bất thường ở bàn tay hoặc chân như:

· Ngứa (hoặc cảm giác như bị châm chích)

· Nóng hoặc bỏng rát

· Tê bì

· Yếu

· Khó chịu hoặc đau

· Giảm cảm giác với nóng hoặc lạnh

· Chuột rút


Ảnh 1: Hệ thần kinh ngoại biên
 

Nguyên nhân của bệnh lý thần kinh ngoại biên

Một số hóa chất hoặc thuốc điều trị ung thư có thể gây tổn hại tới các dây thần kinh ngoại biên – tình trạng này được gọi là bệnh lý thần kinh ngoại biên do hóa trị liệu (CIPN). Đây có thể là tác dụng phụ của hóa trị liệu.

CIPN có thể gây đau dữ dội và ảnh hưởng đến khả năng hoạt động như đi bộ, viết, cài khuy áo hay nhặt đồng xu. CIPN có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng, thậm chí nhiều năm sau khi kết thúc điều trị. Nặng hơn, nó có thể gây những vấn đề nghiêm trọng như rối loạn nhịp tim và huyết áp, té ngã nghiêm trọng, khó khăn trong việc hít thở, liệt, suy tạng.

Bên cạnh hóa trị liệu, bệnh lý thần kinh ngoại biên còn do những nguyên nhân khác như:

· Các phương pháp điều trị ung thư khác như phẫu thuật hay xạ trị

· Khối u chèn ép thần kinh

· Nhiễm trùng ảnh hưởng đến dây thần kinh

· Tổn thương tủy sống

  • Bênh tiểu đường

· Nghiện rượu

· Zona thần kinh

· Thiếu Vitamin B

· Một số rối loạn tự miễn

· Nhiễm HIV

· Thiểu năng tuần hoàn (bệnh lý mạch máu ngoại biên)

Chẩn đoán được nguyên nhân của bệnh lý thần kinh ngoại biên là hết sức quan trọng để có thể đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung vào bệnh lý thần kinh ngoại biên do hóa trị liệu – CIPN


Loại thuốc nào thường gây ra CINP?

Một số hóa chất hay gây ra bệnh lý thần kinh ngoại biên hơn những loại khác.  Có thể kể đến:

· Nhóm Platium: cisplatin, carboplatin, và oxaliplatin

· Nhóm Taxan: paclitaxel (Taxol®), docetaxel (Taxotere®) và cabazitaxel (Jevtana®)

· Các Alkaloid nguồn gốc thực vật: Vinblastine, vincristine, etoposide (VP-16)

· Thuốc ức chế miễn dịch (IMiDs): thalidomide (Thalomid®), lenalidomide (Revlimid®) và pomalidomide (Pomalyst®)

· Các thuốc ức chế proteasome/Nhóm thuốc nhắm trúng đích: bortezomib (Velcade®), carfilzomib (Kyprolis®) và ixazomib (Ninlaro)

Người bệnh nên hỏi bác sỹ nếu không rõ hóa chất họ đang/sẽ được điều trị có gây ra bệnh lý thần kinh ngoại biên hay không.

 

Quản lý bệnh lý thần kinh ngoại biên

Không có một cách chắc chắn nào có thể phòng ngừa CIPN, nhưng có những điều người bệnh có thể làm để quản lý những triệu chứng của CIPN. Trong quá trình điều trị, bác sĩ ung thư sẽ hỏi người bệnh về các triệu chứng CIPN và thăm khám kiểm tra nếu tình trạng CIPN nặng lên. Bác sĩ có thể sẽ trì hoãn việc điều trị ung thư, giảm liều hóa chất, hoặc dừng sử dụng hóa chất gây nên CIPN cho đến khi các triệu chứng được cải thiện. Những biện pháp này phải được tiến hành ngay để phòng tránh các tổn thương lâu dài không thể phục hồi.

 

CIPN có điều trị được không?

Việc điều trị thường sẽ làm giảm các triệu chứng của CIPN. Đôi khi những triệu chứng sẽ mất đi trong một khoảng thời gian ngắn sau điều trị. Nhưng đôi khi những triệu chứng ấy sẽ kéo dài hơn và cần phải điều trị lâu dài. CIPN ở mức độ nghiêm trọng có thể không khỏi.

Việc điều trị chủ yếu để giảm cơn đau đi kèm với CIPN. Một số thuốc được sử dụng bao gồm:

· Thuốc corticoid điều trị ngắn ngày cho đến khi có một kế hoạch điều trị dài hạn.

· Miếng dán hoặc kem bôi có thuốc gây tê có thể sử dụng trực tiếp trên khu vực bị đau (ví dụ như miếng dán có lidocain hoặc kem có capsaicin)

· Thuốc chống trầm cảm, với liều thấp hơn liều điều trị trầm cảm

· Thuốc chống co giật, có thể sử dụng để điều trị nhiều loại đau thần kinh

· Thuốc giảm đau gây nghiện có chứa thành phần opioid sử dụng cho cơn đau nghiêm trọng

Các nhà nghiên cứu đang tìm kiếm những loại thuốc tốt nhất để giảm cơn đau loại này. Có thể cần thử một vài lần để tìm ra loại thuốc phù hợp nhất với người bệnh.

Các phương thức điều trị khác có thể sử dụng thể giảm cơn đau thần kinh và những ảnh hưởng của nó tới cuộc sống, bao gồm:

· Kích thích điện thần kinh

· Hoạt động trị liệu (OT)

· Vật lý trị liệu (PT)

· Liệu pháp thư giãn

· Tưởng tượng theo hướng dẫn

· Đánh lạc hướng tập trung

· Châm cứu

· Phản hồi sinh học

Người bệnh có thể làm gì khi bị CIPN

Có một số điều người bệnh có thể tự làm để quản lý các triệu chứng của CIPN, bao gồm:

· Trao đổi với bác sĩ hoặc điều dưỡng về những vấn đề khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Họ có thể gợi ý các cách để người bệnh cảm thấy tốt hơn hoặc hoạt động tốt hơn.

· Nếu sử dụng thuốc giảm đau, người bệnh cần sử dụng đúng cách mà bác sĩ đã kê toa. Hầu hết các loại thuốc giảm đau sẽ hiệu quả nhất nếu sử dụng trước khi cơn đau trở nặng.

· Tránh những điều có thể khiến CIPN tệ hơn, như nhiệt độ môi trường quá nóng hoặc quá lạnh, hoặc đi giày hay mặc quần áo bó.

· Hãy tự cho mình thêm thời gian để thực hiện các sinh hoạt hàng ngày. Có thể nhờ sự giúp đỡ của những người thân để hoàn thành những công việc mà người bệnh thấy khó khăn khi thực hiện.

· Không uống rượu. Rượu có thể gây tổn thương thần kinh và làm CIPN trở nên nặng hơn.

· Nếu người bệnh bị tiểu đường, hãy kiểm soát tốt đường huyết. Đường huyết cao có thể gây tổn thương thần kinh.

· Hỏi ý kiến bác sĩ hoặc điều dưỡng xem việc tập thể dục thể thao có an toàn không. Bác sĩ vật lý trị liệu có thể đưa ra các lời khuyên hữu ích nhất về vấn đề này.

· Nếu bị táo bón, hãy làm theo những hướng dẫn của bác sĩ về thuốc nhuận tràng và các bài tập. Uống nhiều nước và ăn hoa quả, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt để có đủ chất xơ.

· Nếu bệnh thần kinh ngoại biên xảy ra ở bàn chân, hãy ngồi càng nhiều càng tốt, thậm chí ngay cả khi đánh răng hoặc nấu ăn

· Nếu bệnh thần kinh ngoại biên là vĩnh viễn, bác sĩ ung thư có thể giới thiệu người bệnh tới điều trị hoạt động trị liệu. Chuyên gia hoạt động trị liệu sẽ giúp người bệnh có thể thực hiện các hoạt động sinh hoạt thường ngày ngay cả khi họ có những giới hạn về thể chất.

 

Người bệnh nên làm gì để phòng tránh thương tích

Khi cảm giác bị ảnh hưởng bởi CIPN, người bệnh có thể dễ bị thương tích hơn do các tai nạn trong sinh hoạt. Dưới đây là một vài điều người bệnh có thể làm để phòng tránh:

· Nếu bị CINP ở bàn tay, hãy cẩn thận khi sử dụng dao, kéo, đồ mở hộp, và các đồ dùng sắc nhọn khác. Chỉ sử dụng chúng khi có đủ khả năng tập trung vào công việc.

· Bảo vệ bàn tay bằng cách mang găng tay khi dọn dẹp, làm các công việc ngoài trời hoặc sửa chữa.

· Chăm sóc bàn chân. Kiểm tra chân mỗi ngày một lần xem có các vết thương hoặc vết loét hở không.

· Luôn đi giày để bảo vệ toàn bộ bàn chân khi đi bộ, thậm chí cả khi ở trong nhà. Hỏi bác sĩ về những loại giày hoặc miếng lót có thể bảo vệ bàn chân.

· Nếu người bệnh dễ bị mất thăng bằng, té ngã khi di chuyển, họ cần bảo đảm rằng bên mình luôn có phương tiện hỗ trợ để phòng tránh té ngã. Tay vịn ở hành lang và trong phòng tắm có thể giúp giữ thăng bằng. Khung tập đi hoặc nạng có thể hỗ trợ khi đi lại.

· Sử dụng đèn pin hoặc đèn ngủ khi thức dậy vào ban đêm

· Bảo vệ bản thân khỏi các tổn thương do nhiệt. Đặt nhiệt độ nước nóng của bình nóng lạnh trong khoảng từ 40,5 đến 49 độ C để giảm nguy cơ bị bỏng khi rửa tay. Sử dụng găng làm bếp hoặc miếng lót nồi khi bê đĩa, vỉ nướng hoặc chảo nóng. Kiểm tra nhiệt độ nước trong bồn tắm bằng nhiệt kế.

· Giữ cho bàn tay và bàn chân ấm áp và kín đáo khi thời tiết lạnh. Tránh tiếp xúc với nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh.

 

Những câu người bệnh  nên hỏi bác sỹ về CIPN

· Liệu hóa chất điều trị ung thư tôi sử dụng có gây nên CIPN không?

· Tôi có phải đối tượng nguy cơ cao mắc CIPN không?

· Những triệu chứng nào tôi cần chú ý và báo lại cho bác sĩ?

· Bác sĩ đã từng điều trị CIPN cho những bệnh nhân khác chưa? Bằng cách nào? Hiệu quả như thế nào?

· Tôi có thể làm gì để quản lý triệu chứng CIPN của tôi?

· Nếu tình trạng CIPN của tôi xấu đi và tôi rất đau, kế hoạch điều trị ung thư của tôi có thay đổi không?

· Liệu CIPN có được cải thiện hoặc biến mất khi việc điều trị ung thư kết thúc không?


Ảnh minh họa: Bệnh nhân tê tay nhiều khi cầm thìa xúc cơm

Trao đổi với bác sĩ điều trị ung thư

Việc có sự trao đổi sát sao giữa người bệnh với bác sĩ điều trị ung thư hoặc điều dưỡng chăm sóc về vấn đề bệnh thần kinh ngoại biên do hóa trị liệu là rất quan trọng. Người bệnh cần báo ngay với bác sĩ điều trị về bất kỳ thay đổi nào mà họ cảm nhận được, hoặc khi họ có bất kỳ khó khăn nào với việc đi lại hoặc cầm nắm đồ vật. Nói rõ cho bác sĩ điều trị những triệu chứng đó ảnh hưởng tới những hoạt động sinh hoạt thường ngày như thế nào. Nếu người bệnh phải sử dụng thuốc để điều trị CIPN, hãy bảo đảm báo cho bác sỹ biết thuốc có tác dụng không và có vấn đề nào mới phát sinh không.

 

Nguồn: Dịch từ www.cancer.org Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ

Đường dẫn:

1. https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/physical-side-effects/peripheral-neuropathy/what-is-peripherial-neuropathy.html

2. https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/physical-side-effects/peripheral-neuropathy/managing-peripheral-neuropathy.html

Biên dịch: BS. Nguyễn Hoàng Dương, khoa Nội Tiêu Hóa Theo Yêu Cầu, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội.

Hiệu đính: ThS. BS. Nguyễn Thanh Hằng, phòng HTQT-NCKH

 

 

Bài viết liên quan