1900 8198

42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tìm kiếm

BẢO TỒN KHẢ NĂNG SINH SẢN CHO BỆNH NHÂN UNG THƯ NAM GIỚI

22/06/2024 - 03:37

Nhiều phương pháp điều trị ung thư có ảnh hưởng tạm thời hoặc vĩnh viễn đến khả năng sinh sản. Khả năng sinh sản là khả năng làm cha của một đứa trẻ. Vô sinh nghĩa là không có khả năng làm cha của một đứa trẻ.

Trước khi bắt đầu điều trị ung thư, hãy nói chuyện với nhóm chăm sóc sức khỏe của bạn. Hãy hỏi liệu việc điều trị có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn không và có những lựa chọn nào để bảo tồn khả năng sinh sản.

Các phương pháp điều trị ung thư ảnh hưởng đến khả năng sinh sản như thế nào

Bệnh ung thư hoặc các phương pháp điều trị ung thư ảnh hưởng khả năng sinh sản ở nam giới qua 2 con đường chính:

· Thông qua tổn thương các tuyến nội tiết hoặc các cơ quan liên quan đến nội tiết bao gồm tinh hoàn, tuyến giáp và tuyến thượng thận.

· Thông qua những thay đổi trong phần cấu trúc của não kiểm soát hệ thống nội tiết

Những vấn đề về khả năng sinh sản có thể là hậu quả của những điều sau:

· Tổn thương tinh trùng hoặc giảm sản xuất tinh trùng.

· Giảm sản xuất tinh dịch hoặc không tạo ra được tinh dịch. Tinh dịch chứa tinh trùng từ tinh hoàn và dịch từ tuyến tiền liệt và túi tinh. Khi tổn thương bất kì cấu trúc nào nêu trên, tổn thương thần kinh chi phối hoặc các ống dẫn đến niệu đạo của tinh dịch đều có thể gây vô sinh.

Các phương pháp điều trị ung thư có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản

Đây là các phương pháp điều trị có thể có những tác dụng phụ lên khả năng sinh sản

Hóa trị: một số loại thuốc – đặc biệt nhóm alkyl hóa – có thể có tác dụng phụ lên khả năng sinh sản:

· Busulfan (Busulfex, Myleran)

· Carmustine (BiCNU)

· Chlorambucil (Leukeran)

· Cisplatin (Platinol)

· Cyclophosphamide (Neosar)

· Lomustine (CeeNU)

· Mechlorethamine (Mustargen)

· Melphalan (Alkeran)

· Procarbazine (Matulane)

Các loại thuốc khác được dùng trong điều trị ung thư cũng có thể gây rủi ro về khả năng sinh sản. Hãy trao đổi với bác sĩ điều trị về các loại thuốc cụ thể được khuyến cáo trong quá trình điều trị của bạn.


Nguồn: https://dukefertilitycenter.org/treatments/male-infertility

Xạ trị: Bức xạ có khả năng tiêu diệt các tế bào tinh trùng và tế bào gốc tạo ra tinh trùng.

Một số phương pháp xạ trị có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản:

· Xạ toàn thân để chuẩn bị ghép tủy.

· Xạ vào vùng giữa cơ thể. Các mục tiêu xạ bao gồm vùng bụng, xương chậu, cột sống cùng cụt và tinh hoàn.

· Xạ tuyến yên.

Phẫu thuật: phẫu thuật cắt bỏ những cơ quan này có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản:

· Tuyến tiền liệt

· Bàng quang

· Một hoặc hai bên tinh hoàn

Ngoài ra, phẫu thuật nạo vét hạch trong vùng hố chậu cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Việc sản xuất tinh trùng có thể được hồi phục lại sau quá trình điều trị mặc dù có thể không được như trước. Việc điều trị có thể làm ngưng hoặc chậm quá trình sản xuất tinh trùng trong nhiều năm. Đối với một số bệnh nhân nam, việc điều trị ung thư có thể dẫn đến vô sinh vĩnh viễn.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sinh sản:

· Hóa trị hoặc xạ trị liều cao

· Đã có sẵn các vấn đề về sinh sản

· Tuổi cao, trên 40 tuổi (mặc dù vô sinh do điều trị ung thư có thể gặp ở mọi lứa tuổi)

Việc điều trị trước tuổi dậy thì ở các bé trai thì có thể ít gây các tổn thương tinh trùng hơn. Nhưng các phương pháp điều trị mạnh hơn có thể gây ra vô sinh vĩnh viễn trong tương lai. Các phương pháp điều trị mạnh hơn ở đây có thể là hóa trị liều cao chuẩn bị cho cấy ghép tủy xương.

Các phương pháp điều trị ung thư cũng có thể làm giảm khả năng có con. Tuy nhiên vẫn có thể thụ thai. Nhiều bác sĩ đưa ra lời khuyên nên đợi 6 tháng sau điều trị ung thư mới nên bắt đầu tính tới việc có con. Điều này giúp tinh trùng có đủ khả năng để sửa chữa hoặc loại bỏ hoàn toàn tinh trùng yếu hoặc hỏng ra khỏi cơ thể. Hãy thảo luận với bác sĩ của bạn về thời gian tối ưu.

Làm thể nào để tìm được sự giúp đỡ về các vấn đề sinh sản

Cân nhắc thảo luận với các bác sĩ nam học hoặc các bác sĩ nội tiết sinh dục. Đây là nhóm chuyên gia về điều trị các vấn đề sinh sản.

Các khuyến nghị về bảo tồn chức năng sinh sản

Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) khuyến cáo nam giới mắc bệnh ung thư nên thảo luận về nguy cơ vô sinh và các phương pháp bảo tồn chức năng sinh sản càng sớm càng tốt trước khi bắt đầu điều trị ung thư. Nếu bạn quan tâm đến việc bảo tồn chức năng sinh sản, bạn nên trao đổi với các chuyên gia về sinh sản ngay cả khi không chắc về việc muốn có con trong tương lai.

Các lựa chọn phụ thuộc vào một số yếu tố:

· Tuổi

· Sự trưởng thành về thể chất và tình dục

· Tình trạng các mối quan hệ, chẳng hạn như có đối tác có khả năng cho tế bào trứng

· Cảm xúc của bạn về các phương pháp cụ thể

Nguồn: https://www.apollofertility.com/blog/fertility/fertility-preservation-before-cancer-treatment-options-and-risks/

Các khuyến cáo của ASCO về bảo tồn khả năng sinh sản bao gồm:

Ngân hàng tinh trùng: là quá trình làm đông và lưu trữ tinh dịch. Nên được thực hiện tốt nhất trước điều trị vì tinh trùng sau quá trình điều trị có nguy cơ mang các tổn thương về di truyền cao hơn. Về sau các bệnh nhân nam giới có thể sử dụng tinh dịch để bơm vào tử cung hoặc thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Đối với IVF, các chuyên gia y tế sẽ tiến hành thu thập trứng ở nữ giới. Tinh trùng được lưu trữ sẽ thụ tinh với trứng trong phòng thí nghiệm, sau đó phôi được chuyển vào cơ thể người phụ nữ để phát triển.

Ngân hàng tinh trùng là một lựa chọn cho hầu hết các bệnh nhân nam đã qua tuổi dậy thì. Đàn ông có thể có con kể cả khi số lượng tinh trùng có ít. Điều này được thực hiện bằng kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI). Trong quá trình ICSI, tinh trùng sẽ được tiêm trực tiếp vào trứng được lấy từ quá trình làm IVF.

Trữ đông mô tinh hoàn. các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành, thủ thuật này thực hiện trước khi điều trị ung thư. Thủ thuật này được chỉ định cho những bệnh nhân nam giới mắc ung thư mà chưa qua tuổi dậy thì. Thủ thuật bao gồm các công đoạn như phẫu thuật lấy mô, trữ đông và bảo quản mô tinh hoàn. Những mô này có chứa tế bào gốc mà sau này có thể hình thành nên tinh trùng. Các nhà nghiên cứu đang tìm cách khôi phục khả năng sản xuất tinh trùng từ mô tinh hoàn rã đông.

Liệu pháp hormone. Liệu pháp hormone không có hiệu quả để bảo tồn khả năng sinh sản ở nam giới.

Đọc thêm về các khuyến cáo của ASCO về bảo tồn khả năng sinh sản, ở trang web chuyên biệt.

Bảo vệ khả năng sinh sản trong quá trình xạ trị

Hầu hết các biện pháp bảo vệ khả năng sinh sản đều phải được thực hiện trước khi điều trị. Nhưng nếu bạn đang được xạ trị, thì nhóm bác sĩ điều trị cho bạn có thể bảo vệ tinh hoàn khỏi bức xạ bằng tấm chắn. Mục tiêu là ngăn ngừa tổn thương tinh trùng. Điều này cũng có thể xảy ra nếu là ung thư một phần nào đó trong khung chậu.

Đánh giá các phương pháp bảo tồn chức năng sinh sản

Các phương pháp bảo vệ chức năng sinh sản không phải phù hợp với tất cả mọi bệnh nhân, hãy cân nhắc các yếu tố sau:

· Bảo hiểm y tế có thể không chi trả các phương pháp bảo tồn sinh sản

· Hiệu quả của mỗi phương pháp là khác nhau

· Gia tăng sự căng thẳng khi bệnh nhân ung thư vốn đã rất căng thẳng do bệnh tật hiện tại.

Bạn có thể được hưởng lợi từ việc tư vấn để đưa ra quyết định về vấn đề sức khỏe sinh sản. Bệnh nhân cân nhắc đến việc bảo tồn khả năng sinh sản nên đưa ra quyết định phù hợp sau khi đã cân nhắc dựa trên các yếu tố nói trên và các yếu tố khác.

Những câu hỏi cho nhóm BS chăm sóc sức khỏe cho bạn

· Nguy cơ vô sinh của tôi ở mỗi phương án điều trị là như thế nào?

· Có phương pháp điều trị nào khác cũng hiệu quả mà giảm nguy cơ vô sinh không?

· Tôi có những lựa chọn để bảo tồn khả năng sinh sản?

· Các phương pháp điều trị này có thể trì hoãn được không? Việc này có ảnh hưởng đến cơ hội phục hồi của tôi không?

· Liệu các phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản có làm cho việc điều trị ung thư của tôi kém hiệu quả không?

· Liệu các phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản có làm tăng nguy cơ bệnh ung thư tái phát hoặc xuất hiện ung thư thứ phát không?

· Tôi có nên thảo luận với bác sĩ chuyên khoa sinh sản trước điều trị ung thư không?

· Tôi có thể tham gia vào thử nghiệm lâm sàng nào hiện đang có sẵn không?

· Tôi có thể tìm sự hỗ trợ về các vấn đề sinh sản ở đâu?

· Tôi có thể tìm được sự hỗ trợ để thảo luận với bạn đời của tôi về vấn đề sinh sản ở đâu?

· Làm thế nào để biết liệu tôi còn khả năng sinh sản sau điều trị ung thư hay không?

Nguồn: dịch từ www.cancer.net, Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO)

Đường dẫn: https://www.cancer.net/navigating-cancer-care/dating-sex-and-reproduction/fertility-concerns-and-preservation-men

Biên dịch: ThS.BS. Nguyễn Khánh Hà, khoa Nội Tổng hợp Điều trị ban ngày Theo yêu cầu, bệnh viện Ung Bướu Hà Nội.

Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng, phòng Hợp tác Quốc tế và Nghiên cứu khoa học, bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

 

Bài viết liên quan