1900 8198

42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tìm kiếm

TÁC DỤNG PHỤ TRÊN HỆ TIM MẠCH TRONG ĐIỀU TRỊ UNG THƯ

22/06/2024 - 03:37

Tác dụng phụ trên hệ tim mạch tuy không thường gặp nhưng là tác dụng phụ nguy hiểm của một số phương pháp điều trị ung thư. Cụm từ “độc tính tim mạch” cũng được sử dụng để chỉ tác dụng phụ này. Tác dụng phụ trên tim mạch có thể gây những hậu quả sau:

  • Ảnh hưởng tới điều trị
  • Làm giảm chất lượng cuộc sống
  • Tử vong (hiếm gặp)

Chỉ một số ít phương pháp điều trị ung thư có tác dụng phụ trên tim mạch và có nhiều biện pháp để ngăn ngừa những tác dụng phụ này.

Làm giảm nhẹ tác dụng phụ là một phần quan trọng trong điều trị ung thư. Đây được gọi là chăm sóc giảm nhẹ hay chăm sóc hỗ trợ. Người bệnh cần trao đổi với bác sỹ và điều dưỡng chăm sóc khi thấy xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào mới hoặc khi các triệu chứng hiện tại có sự thay đổi.

Triệu chứng của tác dụng phụ trên tim mạch

Người bệnh ung thư gặp phải tác dụng phụ trên tim mạch có thể có các triệu chứng sau:

· Khó thở

· Cảm giác choáng váng hoặc chóng mặt

· Cảm giác khó chịu ở ngực hoặc đau ngực

· Rất mệt mỏi

· Phù tay và/hoặc chân

Nếu gặp phải bất kỳ triệu chứng nào kể trên, người bệnh cần thông báo ngay cho bác sỹ hoặc điều dưỡng chăm sóc.

Những loại tác dụng phụ trên tim mạch

Dưới đây là một số bất thường về tim mạch mà người bệnh có thể gặp trong và/hoặc sau điều trị ung thư:

· Bệnh cơ tim và suy tim sung huyết: là tổn thương làmtim giảm khả năng bơm máu so với bình thường.

· Viêm cơ tim: tim bị sưng lên và ảnh hưởng tới nhịp tim

· Bệnh mạch vành: mạch máu nuôi tim bị tắc nghẽn hoặc xơ sẹo

· Rối loạn nhịp tim: nhịp tim dao động bất thường

· Tổn thương van tim: van tim bị hẹp và xơ cứng hoặc hở van tim

· Bất thường màng ngoài tim: màng ngoài tim là lớp màng ngoài cùng của tim. Màng ngoài tim có thể bị sưng nề (viêm màng ngoài tim) hoặc dầy lên hoặc xơ sẹo (xơ hoá màng ngoài tim)

 

Nguyên nhân gây tác dụng phụ trên tim mạch

Một số phương pháp điều trị sau đây có thể là nguyên nhân gây tác dụng phụ trên tim mạch:

  • Hóa trị với các thuốc thuộc nhóm anthracyclines như: daunorubicin (Cerubidine), doxorubicin (Adriamycin, Doxil), epirubicin (Ellence), idarubicin (Idamycin), và valrubicin (Valstar)
  • Hóa trị với một số thuốc khác như: mitoxantrone (Novantrone)
  • Xạ trị vào vùng ngực
  • Một số loại thuốc đích, bao gồm: bevacizumab (Avastin), trastuzumab (Herceptin), lapatinib (Tykerb), sunitinib (Sutent) và sorafenib (Nexavar)


Những yếu tố nguy cơ của tác dụng phụ trên tim mạch

· Một số bệnh nhân ung thư có thể có nguy cơ bị tác dụng phụ trên tim mạch cao hơn những người khác, bao gồm:

· Người từ 60 tuổi trở lên, trẻ nhỏ, và phụ nữ.

· Người điều trị hóa chất liều cao nhóm anthracyclines.

· Người điều trị bằng xạ trị liều cao vào vùng ngực

· Người vừa nhận điều trị hóa chất nhóm anthracyclines vừa xạ trị vào vùng ngực

· Người vừa hóa trị nhóm anthracyclines hoặc trastuzumab và đồng thời có tiền sử hút thuốc lá, tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì, hoặc mắc bệnh lý tim mạch khác.

· Người điều trị nhóm anthracyclines sau đó điều trị bằng trastuzumab.

Bác sỹ điều trị sẽ cân nhắc rủi ro và lợi ích trước khi đề xuất các phương pháp điều trị. Lựa chọn điều trị đưa ra sẽ dựa trên các thông tin thu thập được từ:

· Khám lâm sàng

· Các xét nghiệm kiểm tra

· Tìm hiểu lịch sử bệnh tật của bệnh nhân

 

Chẩn đoán tác dụng phụ trên tim mạch

Trong hoặc sau khi điều trị ung thư, bác sỹ sẽ tiến hành các xét nghiệm kiểm tra để chẩn đoán tác dụng phụ tim mạch và tìm hiểu nguyên nhân

Tùy thuộc vào kết quả đánh giá, bác sỹ điều trị có thể sẽ giới thiệu bệnh nhân đi khám chuyên khoa tim mạch. Bác sỹ tim mạch là bác sỹ chuyên về chẩn đoán và điều trị những bệnh lý tim mạch.

Người bệnh có thể sẽ cần kiểm tra:

· Khám lâm sàng. Bác sỹ sẽ nghe tim để đánh giá nhịp tim hoặc âm thanh của dòng máu khi đi qua các mạch máu lớn vùng cổ. Trong quá trình kiểm tra, bác sỹ sẽ đánh giá tiếng tim của bạn có bình thường không, có thay đổi gì về nhịp tim không. Và đây có thể là dấu hiệu cho thấy bạn cần tiến hành các xét nghiệm kiểm tra tiếp theo.

· Siêu âm tim (ECO): Siêu âm tim là kỹ thuật sử dụng sóng siêu âm và một cảm biến điện tử để đánh giá cấu trúc và chức năng tim.

· Xạ hình tâm thất đồ (MUGA scan): là phương pháp nhằm ghi lại hình ảnh hoạt động của các buồng chứa máu nằm phía dưới của tim. Những buồng này được gọi là tâm thất. Xạ hình tâm thất đồ giúp đánh giá các tâm thất có bơm máu một cách bình thường hay không.

· Chụp cộng hưởng từ tim (MRI). Chụp cộng hưởng từ là phương pháp sử dụng từ trường, thay vì tia X, để dựng lại hình ảnh của từng phần khác nhau của cơ thể. Chụp cộng hưởng từ tim giúp dựng lại hình ảnh của tim. Trước khi chụp, người bệnh sẽ được tiêm một loại thuốc đặc biệt gọi là thuốc đối quang từ, nhằm giúp hình ảnh trở nên rõ nét hơn.

· Xét nghiệm máu. Một vài dấu hiệu của tổn thương ở tim có thể biểu hiện qua xét nghiệm máu. Nhân viên y tế có thể sẽ kiểm tra những xét nghiệm máu này khi cần.

· Chụp mạch máu. Kỹ thuật này sẽ chụp các hình ảnh về mạch máu. Trước tiên, bạn sẽ được tiêm một loại thuốc chỉ thị vào động mạch. Sau đó, bác sỹ sẽ kiểm tra động mạch bằng một thiết bị X-quang đặc biệt gọi chụp X-quang tăng sáng truyền hình (fluoroscope)

· Chụp X- quang ngực. Chụp X-quang ngực là phương pháp đánh giá cơ quan trong ngực bằng tia X

· Điện tâm đồ. Điện tâm đồ ghi lại hoạt động điện của các vùng khác nhau của tim dưới dạng các đường lượn sóng trên một tờ giấy. Những thông tin này có thể giúp phát hiện nhịp tim bất thường hoặc tổn thương tim.

 

Theo dõi tác dụng phụ trên tim mạch

Bác sỹ có thể tiến hành các kiểm tra về tim mạch ngay cả khi người bệnh ung thư chưa có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Điều này đặc biệt quan trọng với những người có nguy cơ cao

Hiệp hội Ung thư học lâm sàng Mỹ (ASCO) đã đưa ra các khuyến cáo về theo dõi các tác dụng phụ về tim mạch. Siêu âm tim là xét nghiệm đầu tay được khuyến cáo thực hiện. Ngoài ra, người bệnh có thể sẽ cần được chụp cộng hưởng từ tim hoặc xạ hình tâm thất đồ. Xét nghiệm có thể thực hiện một cách định kỳ trong quá trình điều trị ung thư và/hoặc 6 – 12 tháng sau khi kết thúc điều trị.

 

Dự phòng và quản lý tác dụng phụ trên tim mạch

Bác sỹ điều trị có thể đưa ra các bước cần thực hiện để làm giảm nguy cơ tác dụng phụ trên tim mạch trong quá trình điều trị ung thư, bao gồm:

· Lựa chọn một loại thuốc khác. Không phải tất cả các thuốc đều có tác dụng phụ trên tim mạch. Có thể có những loại thuốc khác có hiệu quả điều trị tương đương nhưng không có hoặc ít độc tính trên tim mạch

· Giảm liều hoặc thay đổi đường dùng thuốc. Bạn có thể sẽ nhận một liều thuốc thấp hơn, vẫn có hiệu quả điều trị ung thư nhưng ít ảnh hưởng tới tim. Bác sỹ điều trị có thể đưa ra một đường dùng thuốc khác. Đôi khi một đường dùng thuốc khác có thể giúp giảm độc tính trên tim.

· Sử dụng các thuốc có khả năng bảo vệ tim. Thuốc dexarazoxane (Zinecard) có thể giúp bảo vệ tim khỏi độc tính của nhóm anthracyclines. Các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành để tìm ra các thuốc bảo vệ tim khác.

· Giảm ảnh hưởng của xạ trị tới tim. Có thể giảm tác dụng phụ của xạ trị tới tim bằng cách giảm liều xạ và/hoặc các kỹ thuật khác, bao gồm

o Hít sâu và nín thở. Điều này giúp tim tránh tiếp xúc với bức xạ một cách không cần thiết. Kỹ thuật này yêu cầu người bệnh hít sâu và nín thở trong một khoảng thời gian ngắn trong khi chiếu xạ.

 


Hình 2: Kỹ thuật hít sâu – nín thở có thể giúp giảm tác dụng của tia xạ lên tim khi xạ trị vào vùng ngực

(Nguồn: Kelli Snyder – Oregon Health & Science University)

o Xạ trị điều biến liều (IMRT). Đây là một kỹ thuật xạ trị giúp hướng liều bức xạ vào khối u bằng cách thay đổi cường độ chùm tia.

Nếu người bệnh gặp phải tác dụng phụ trên tim mạch sau điều trị ung thư, bác sỹ sẽ cho sử dụng các thuốc để điều trị. Người bệnh có thể cần sử dụng một hoặc một vài thuốc sau:

· Thuốc lợi tiểu, giúp hạn chế giữ nước trong cơ thể bằng cách tăng cường bài tiết qua nước tiểu.

· Thuốc huyết áp, như nhóm thuốc ức chế men chuyển hoặc chẹn beta

· Thuốc digitalis, giúp điều hòa nhịp tim

 

Nguồn: Hiệp hội Ung thư học lâm sàng Hoa kỳ www.cancer.net

Đường dẫn: https://www.cancer.net/coping-with-cancer/physical-emotional-and-social-effects-cancer/managing-physical-side-effects/heart-problems

Biên dịch: ThS.BS. Lê Công Định- Khoa Nội tiêu hóa theo yêu cầu, BV Ung bướu Hà Nội

Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng – Phòng Hợp tác quốc tế và NCKH, BV Ung bướu Hà Nội

Bài viết liên quan