1900 8198

42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tìm kiếm

SINH HOẠT KHOA HỌC: CẬP NHẬT HOẠT ĐỘNG QUỐC TẾ BUỔI SỐ 4

22/06/2024 - 11:37

Chiều ngày 08/10/2021, tại hội trường tầng 6 nhà H, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội đã tổ chức buổi sinh hoạt khoa học Cập nhật hoạt động quốc tế số 4 thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ nhân viên bệnh viện qua hệ thống Google Meet trực tuyến.

Mở đầu buổi sinh hoạt, ThS.BS. Trần Quang Kiên – Đơn nguyên Xạ trị theo yêu cầu, thành viên Hiệp hội Xạ trị và Ung bướu châu Âu (ESTRO) có bài tóm tắt chung về một số nghiên cứu từ Hội nghị ung thư phổi châu Âu diễn ra vào ngày 25-27 tháng 3 năm 2021 trong đó có 4 nội dung chính: Tác động của hóa xạ đồng thời ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bảo nhỏ; Kết quả và độc tính của xạ trị lần 2 trên bệnh nhân ung thư phổi tế bảo nhỏ tái phát tại chỗ tại vùng; An toàn và hiệu quả của phương pháp xạ trị định vị thân cho bệnh nhân ung thư phổi có u “siêu trung tâm” và Test thở trong phát hiện ung thư phổi giai đoạn sớm - hướng đi mới nhiều triển vọng.

Tiếp đó, BS. Phạm Đắc Đông – Khoa Ngoại Tổng hợp theo yêu cầu, thành viện Hiệp hội Ngoại Ung bướu Châu Âu (ESSO) trình bày nghiên cứu: các yếu tố tiên lượng trong phẫu thuật ung thư phổi không tế bào nhỏ của tác giả O¨. Birima và cộng sự - Trung tâm y khoa Rotterdam, Hà Lan đăng trên Tạp chí Ngoại Ung bướu Châu Âu (EJSO). Theo đó, nghiên cứu đã chỉ ra rằng chức năng phổi kém, bệnh tim mạch, giới tính nam, tuổi cao, giai đoạn TNM, tế bào không vảy, cắt bỏ 1 bên phổi, bệnh viện quy mô thấp, phẫu thuật viên ít kinh nghiệm được xác định là các yếu tố nguy cơ đối với kết quả sau phẫu thuật. Hiểu biết về sự tồn tại của bệnh đi kèm và các yếu tố nguy cơ tiên lượng có thể cung cấp cho bác sĩ lâm sàng khả năng xác định bệnh nhân tiên lượng xấu và đề ra chiến lược điều trị phù hợp nhất. Ở những bệnh nhân phẫu thuật phổi nguy cơ cao, chiến lược điều trị nên được thực hiện tại mỗi trung tâm bằng hội chẩn liên chuyên khoa.

Sau một số ý kiến thảo luận sôi nổi của các bác sĩ về nghiên cứu trên, các thành viên tiếp tục đến với bài Báo cáo Hội nghị ung thư phụ nữ Charite Mayo 11 do BS. Ngô Minh Phúc – Khoa Ngoại Vú phụ khoa, thành viên Hiệp hội Ung thư phụ khoa quốc tế (IGCS) trình bày. Charité - Đại học Y khoa Berlin là một bệnh viện kiêm trường Y của Đại học Humboldt Berlin và Đại học Tự do Berlin. Charité là một trong số các bệnh viện đại học lớn nhất châu Âu. Viện Mayo (Mayo Clinic) là trung tâm Y tế học thuật tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ, tập trung vào thực hành lâm sàng tích hợp giáo dục và nghiên cứu. Hội nghị Charite Mayo lần thứ 11 được tổ chức Online do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 với chủ đề “Quan điểm toàn cầu và định hướng tương lai về bệnh ung thư ở phụ nữ”. Hội nghị có 92 bài báo cáo liên quan đến các chủ đề: Ung thư vú, cổ tử cung, nội mạc tử cung, ung thư âm hộ, Sarcoma, Ung thư buồng trứng: Thực trạng, Cập nhật các phương pháp điều trị phẫu thuật, điều trị nội khoa, sinh học và Chẩn đoán phân tử và liệu pháp cá nhân hóa trong ung thư phụ khoa.

Kết thúc buổi sinh hoạt khoa học, BSNT. Phạm Anh Đức – Đơn nguyên Xạ trị theo yêu cầu, thành viên ESTRO, chia sẻ bài nghiên cứu “Khuyến cáo điều trị ung thư đường tiêu hoá bằng xạ trị trong kỷ nguyên COVID-19” của BS. Lella T.Tchelebi và các cộng sự thuộc Hiệp hội Xạ trị và Ung bướu châu Âu. Thực tế cho thấy, bệnh nhân ung thư là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao, khi nhiễm dễ biến chứng nghiêm trọng hoặc tử vong. Nhóm nghiên cứu đã đánh giá tài liệu, tìm các hướng dẫn và tìm kiếm dữ liệu ủng hộ nguyên tắc RADS (thăm khám từ xa, tránh xạ trị, trì hoãn xạ trị, tối thiểu xạ trị) (nguyên tắc 4T) nhằm mục đích giúp bác sĩ ung thư quản lý bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa mà vẫn đảm bảo an toàn cho người bệnh, giảm thiểu tác động của đại dịch. Theo đó, nên giảm thiểu việc bệnh nhân đến bệnh viện trong khi vẫn cần điều trị đầy đủ (để giảm nguy cơ phơi nhiễm virus hoặc do việc phải đóng cửa cơ sở lâm sàng và/hoặc thiếu nhân viên), điều trị bệnh nhân ngoại trú được ưu tiên hơn khi có thể. Xạ trị, đặc biệt khi kết hợp hóa trị, có thể gây giảm bạch cầu, ức chế miễn dịch gây tăng tính nhạy cảm với virus. Điều này có thể giảm thiểu bằng các liệu trình ngắn hơn hoặc xạ trị tuần tự với hóa chất thay cho hóa xạ đồng thời. Tất cả đều hướng đến mục tiêu giảm thiểu tác động của đại dịch đối với kết quả điều trị ung thư.

Sinh hoạt khoa học là hoạt động được tổ chức định kỳ tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội nhằm mục đích cập nhật kiến thức y học cho đội ngũ y bác sĩ bệnh viện. Từ tháng 03 năm 2021, song song với các hoạt động sinh hoạt khoa học thường quy, bệnh viện tiến hành đưa vào nội dung mới: cập nhật, chia sẻ kiến thức chuyên môn từ các hội nghị, tập huấn quốc tế, tạp chí và thư viện của các hiệp hội quốc tế với mong muốn cập nhật và truyền tải các kiến thức và nghiên cứu mới nhất trên thế giới để không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn bệnh viện.

Bài viết liên quan