1900 8198

42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tìm kiếm

SINH CON SAU ĐIỀU TRỊ UNG THƯ: QUÁ TRÌNH MANG THAI

22/06/2024 - 03:37

Nếu bạn là bệnh nhân ung thư đã điều trị ổn định, dù là nam hay nữ, việc sinh con có thể là một quyết định khó khăn. Bạn và bạn đời của mình cần phải suy nghĩ đến rất nhiều vấn đề trước khi quyết định có thêm một thành viên trong gia đình.

Mang thai sau điều trị ung thư

Nhìn chung việc mang thai sau quá trình điều trị ung thư là an toàn cho cả mẹ và bé. Có thai dường như không làm tăng nguy cơ ung thư tái phát. Dù vậy, một số phụ nữ được khuyên nên đợi một vài năm trước khi cố gắng có con. Thời gian chờ đợi này phụ thuộc vào một số yếu tố:

· Loại ung thư và giai đoạn bệnh

· Phương pháp điều trị

· Tuổi của người phụ nữ

Một số nhân viên y tế khuyến cáo phụ nữ không nên có thai trong vòng 6 tháng đầu sau khi kết thúc hóa trị liệu. Họ cho rằng các nang trứng bị tổn thương (nếu có) đều sẽ rụng và rời khỏi cơ thể trong vòng 6 tháng đó. Các nhân viên y tế khác gợi ý cần đợi 2 đến 5 năm trước khi cố gắng có con. Điều này là bởi ung thư rất có khả năng tái phát trong những năm đầu sau điều trị. Và hơn nữa, việc điều trị ung thư khi đang mang thai sẽ phức tạp hơn.

Nguồn ảnh: Internet

Điều trị ung thư sẽ ảnh hưởng đến việc có thai như thế nào?

Các phương pháp điều trị có thể ảnh hưởng đến việc có thai trong tương lai theo nhiều cách:

· Xạ trị. Xạ trị có thể ảnh hưởng đến các tế bào và việc cấp máu ở tử cung. Xạ trị cũng có thể làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, nhẹ cân sơ sinh, và các vấn đề khác.

· Phẫu thuật có liên quan đến cổ tử cung. Việc cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần cổ tử cung có thể làm tăng nguy cơ sảy thai hoặc sinh non. Điều này là do cổ tử cung có thể mất khả năng nâng đỡ thai nhi đang phát triển.

· Hóa trị. Hóa trị có chứa anthracycline bao gồm doxorubicin, daunorubicin, epirubicin, idarubicin có thể gây tổn hại các tế bào tim và làm tim yếu đi. Hậu quả là tim cần làm việc nhiều hơn trong giai đoạn mang thai và chuyển dạ. Trong một số trường hợp, hóa trị có chứa anthracyclin có thể được kết hợp với xạ trị vùng bụng trên hoặc ngực. Việc kết hợp này sẽ làm tăng nguy cơ gây ra các vấn đề về tim.

Làm cha sau quá trình điều trị ung thư

Đàn ông có thể cố gắng có con sau khi kết thúc điều trị ung thư. Không có nguyên tắc cố định nào quy định đàn ông cần đợi bao lâu sau điều trị, tuy nhiên các nhân viên y tế thường khuyến cáo nên đợi từ 2 đến 5 năm. Tinh trùng có thể bị tổn hại bởi hóa trị hoặc xạ trị. Những tinh trùng này có thể được thay thế trong vòng 2 năm. Thậm chí nếu có thụ thai sớm sau khi kết thúc điều trị, hiện không có nghiên cứu nào chỉ ra những đứa trẻ sinh ra như vậy sẽ có nguy cơ gặp các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe cao hơn những đứa trẻ khác.

Các mối lo ngại khác về việc có con sau điều trị ung thư

Nguy cơ con sinh ra sẽ mắc ung thư. Nhiều người đã từng mắc ung thư lo lắng rằng con cái của họ cũng có thể mắc ung thư. Các nghiên cứu chỉ ra con cái của những người mắc ung thư hoặc đã điều trị ung thư không có nguy cơ mắc ung thư cao hơn các trẻ em khác. Tuy nhiên một vài loại ung thư có thể di truyền từ bố mẹ sang con cái (theo gen). Nếu bạn mắc một trong số các loại ung thư di truyền này, nguy cơ có thể cao hơn. Hãy nói chuyện với nhân viên y tế của bạn hoặc một nhân viên tư vấn di truyền về việc có con. Họ có thể giúp bạn hiểu hơn về nguy cơ ung thư và di truyền.

Nguy cơ ung thư tái phát. Các nghiên cứu chỉ ra việc có thai dường như không làm tái phát ung thư. Một số nhân viên y tế khuyên các bệnh nhân ung thư vú đã hoàn tất điều trị đợi 2 năm trước khi cố gắng có thai. Có một mối liên hệ giữa một số loại hormon tăng trong thai kỳ và sự phát triển của các tế bào ung thư vú. Tuy nhiên không có bằng chứng khoa học chứng minh nguy cơ ung thư tăng lên nếu phụ nữ có thai trong vòng 2 năm đầu kể từ thời điểm kết thúc điều trị. Một số nghiên cứu thậm chí còn gợi ý nguy cơ ung thư vú tái phát giảm đi với những phụ nữ có thai sau đó.

Đối với một số người sau điều trị ung thư, việc có thai có thể khiến phải ngừng sử dụng một số thuốc. Tuy nhiên, việc ngừng một số thuốc như tamoxifen hoặc imatinib sẽ làm tăng nguy cơ ung thư tái phát. Do vậy những người có kế hoạch có con cần xác định họ có thể chấp nhận nguy cơ này ở mức độ nào. Hãy trao đổi với bác sĩ điều trị và một chuyên gia sinh sản trước khi cố gắng có thai sau điều trị ung thư.

Đối mặt với sự không chắc chắn. Tất cả bệnh nhân ung thư sau điều trị đều phải đối mặt với nguy cơ ung thư có thể quay trở lại. Họ và bạn đời của mình phải suy nghĩ và trao đổi về khả năng đứa trẻ sinh ra sẽ chỉ có bố hoặc mẹ nuôi dưỡng. Quyết định này rất khó khăn và phụ thuộc vào từng cá nhân. Hãy cân nhắc trao đổi với một tư vấn viên để được nhận chỉ dẫn.

Vô sinh. Một số phương pháp điều trị ung thư có thể khiến bệnh nhân khó có con hoặc không thể có con. Tất cả các bệnh nhân muốn có con bao gồm cả nam và nữ đều nên trao đổi với bác sĩ điều trị về nguy cơ có thể gây vô sinh trước khi bắt đầu điều trị. Họ cũng nên thảo luận về các lựa chọn bảo tồn sinh sản.

 

Nói chuyện với bác sĩ điều trị

Nguồn ảnh: https://www.istockphoto.com

Việc có con là một quyết định lớn. Bất kể bạn đã được điều trị với phương pháp nào, bạn nên trao đổi với bác sĩ của bạn về các nguy cơ tiềm ẩn của việc có thai và sinh nở. Bác sĩ có thể cần phải kiểm tra chức năng một số cơ quan để đảm bảo việc có thai là an toàn với bạn. Bạn cũng có thể được giới thiệu gặp bác sĩ sản khoa, là bác sĩ chuyên khoa được đào tạo để chăm sóc phụ nữ trong thai kỳ và một khoảng thời gian ngắn sau đó.

Các câu nên hỏi bác sĩ điều trị

· Liệu kế hoạch điều trị ung thư có ảnh hưởng đến khả năng có con của tôi không?

· Có cách nào giúp bảo tồn khả năng sinh sản trước khi tôi bắt đầu tiếp nhận điều trị không?

· Liệu kế hoạch điều trị của tôi có gây ra các vấn đề trong thời kỳ mang thai, chuyển dạ và sinh nở không?

· Tôi nên đợi bao lâu trước khi cố gắng có con?

· Việc cố gắng có con sẽ ảnh hưởng như thế nào đến kế hoạch theo dõi sau điều trị của tôi?

· Cố gắng có con có làm tăng nguy cơ ung thư tái phát không?

· Tôi có nên trao đổi thêm với một bác sĩ sản khoa có kinh nghiệm với các bệnh nhân ung thư sau điều trị không?

· Tôi có thể tìm kiếm sự giúp đỡ về mặt tinh thần cho bản thân tôi và bạn đời của mình ở đâu?

Nguồn: Trang thông tin dành cho bệnh nhân của Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) - https://www.cancer.net

Đường dẫn: https://www.cancer.net/survivorship/life-after-cancer/having-baby-after-cancer-pregnancy truy cập ngày 18/4/2023

Biên dịch: DS. Chu Hà My - Khoa Dược, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

Hiệu đính: ThS. BS. Nguyễn Thanh Hằng - Phòng Hợp tác quốc tế và Nghiên cứu khoa học, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

 

 

Bài viết liên quan