1900 8198

42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tìm kiếm

PHẢN ỨNG TIÊM TRUYỀN HAY PHẢN ỨNG MIỄN DỊCH KHI ĐIỀU TRỊ UNG THƯ

22/06/2024 - 03:37

Phản ứng tiêm truyền xảy ra khi cơ thể bạn có đáp ứng miễn dịch mạnh với một thuốc điều trị ung thư dùng theo đường tĩnh mạch. Các loại thuốc dùng trong điều trị ung thư có thể là thuốc hóa chất, thuốc đích hoặc thuốc miễn dịch. Thuốc có thể được sử dụng theo đường truyền tĩnh mạch, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm tĩnh mạch nhanh.

Truyền tĩnh mạch trên bệnh nhân điều trị nội trú
(Nguồn: www.cancertherapyadvisor.com)

Phần lớn các thuốc có nguy cơ xảy ra phản ứng tiêm truyền thấp, tuy nhiên với một số loại thuốc, nguy cơ này có thể cao hơn. Trong một số trường hợp, mức độ của các phản ứng này phụ thuộc vào liều dùng và một số yếu tố khác liên quan đến điều trị hoặc các vấn đề sức khỏe của bệnh nhân. Khi một phản ứng tiêm truyền xảy ra, điều này có nghĩa là cơ thể của người bệnh đang phản ứng rất mạnh với thuốc mà cơ thể coi là một chất lạ. Việc hệ miễn dịch phản ứng lại là để loại bỏ chất lạ này, đây là nguyên nhân gây ra phản ứng tiêm truyền.

Các nhân viên y tế có thể gọi các phản ứng này bằng các tên gọi như phản ứng miễn dịch hoặc phản ứng quá mẫn. Các phản ứng tiêm truyền không thực sự là phản ứng dị ứng do cơ chế đáp ứng của hệ miễn dịch khác nhau. Mặc dù vậy, các phản ứng tiêm truyền mức độ nặng có thể xảy ra trên một số bệnh nhân nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Các phản ứng này có thể xuất hiện trên các bệnh nhân lần đầu truyền thuốc hoặc tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình điều trị, ngay cả khi bệnh nhân đã được truyền thuốc một hoặc nhiều lần trước đó.

Các phản ứng tiêm truyền có thể xảy ra ngay lập tức hoặc xảy ra muộn. Các phản ứng ngay lập tức là những phản ứng xảy ra trong vòng một vài phút sau khi bắt đầu truyền thuốc. Các phản ứng muộn có thể xảy ra sau truyền một vài ngày hoặc một vài tuần. Mức độ các phản ứng này có thể dao động từ nhẹ, trung bình tới nặng.

Nếu phác đồ điều trị có chứa thuốc dùng theo đường truyền tĩnh mạch, người bệnh cần thảo luận với bác sĩ điều trị về loại thuốc, nguy cơ xảy ra phản ứng tiêm truyền và phản ứng đó xảy ra như thế nào.

Các dấu hiệu cần theo dõi trong quá trình truyền thuốc

· Ngứa

· Ban đỏ hoặc mề đay

· Sưng lưỡi, môi hay mí mắt

· Đỏ bừng vùng mặt và cổ

· Sốt hoặc ớn lạnh

· Ho

· Buồn nôn

· Đau cơ hoặc đau khớp

· Phù nề (bất kỳ bộ phận cơ thể nào trong đó thường là bàn tay, bàn chân, cẳng chân hay mắt cá chân)

· Cảm giác khó thở

Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào trên đây trong quá trình truyền thuốc, người bệnh cần báo ngay cho điều dưỡng. Nếu gặp một hay nhiều các triệu chứng này ở nhà sau khi truyền thuốc, người bệnh cần liên hệ ngay lập tức với bác sĩ.

Mề đay có thể là một dấu hiệu cảnh báo của phản ứng tiêm truyền
(Nguồn: Pinterest)

 

Các phản ứng/tác dụng không mong muốn đặc thù của liệu pháp miễn dịch

Khi điều trị với liệu pháp miễn dịch, người bệnh có thể gặp bất kỳ phản ứng nào liệt kê trên đây. Tuy nhiên, hầu hết các phản ứng với liệu pháp miễn dịch thường không xảy ra trong quá trình truyền thuốc. Người bệnh cần hỏi bác sĩ điều trị về các tình huống có thể xảy ra và gọi ngay cho họ nếu gặp một hay một số các triệu chứng sau đây vì đó có thể là phản ứng với liệu pháp miễn dịch mà người bệnh đang sử dụng.

Ban da hay phồng rộp mức độ nhẹ hay nặng

Viêm đại tràng (có thể gây ra các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, sốt, đau khớp và chán ăn)

Viêm gan. Hãy báo cho bác sĩ biết nếu người bệnh nhận thấy một số dấu hiệu sau: vàng da, vàng mắt, buồn nôn/nôn, đau vùng bụng phải, hay buồn ngủ, uể oải, nước tiểu màu sẫm (màu trà), chán ăn hay bầm tím/chảy máu bất thường.

Viêm phổi. Hãy báo cho bác sĩ biết nếu bạn sốt, khó thở, đau ngực hoặc ho

Các thay đổi về nội tiết. Hệ thống nội tiết có nhiệm vụ sản xuất các hóc-môn với các chức năng khác nhau trong cơ thể. Người bệnh cần báo cho bác sĩ biết nếu nhận thấy một hoặc một số dấu hiệu sau đây bởi đó có thể là dấu hiệu cho thấy hệ thống nội tiết đang gặp bất thường:

· Thay đổi thị lực

· Đau đầu dai dẳng

· Mệt mỏi bất thường

· Nhịp tim nhanh

· Đau cơ, đau khớp

· Choáng váng hoặc ngất xỉu

· Cảm giác đói nhanh hơn bình thường

· Tiểu nhiều hơn bình thường

· Thay đổi tâm trạng

· Cảm thấy lạnh

· Giọng trầm hơn

· Buồn nôn hoặc nôn

· Đau bụng

· Táo bón

Các vấn đề về miệng như viêm môi, viêm niêm mạc miệng/đường tiêu hóa: Người bệnh cần báo cho bác sĩ biết nếu bạn có đau, phồng rộp hay loét môi/miệng. Nếu đau miệng, hãy vệ sinh miệng sạch sẽ, đánh răng 2-3 lần/ngày với bàn chải lông mềm và chỉ nha khoa, sử dụng kem đánh răng và nước súc miệng không cồn. Tránh ăn đồ cay, nóng, cứng và có vị chua. Tránh sử dụng thuốc lá và các đồ uống chứa cồn. Bác sĩ có thể kê đơn nước súc miệng  để giảm các triệu chứng đau rát miệng.

Viêm khớp: (sưng viêm vùng mắt cá, đầu gối hoặc bàn tay). Người bệnh cần báo cho bác sĩ biết nếu thấy sưng các khớp, đau và ban đỏ quanh khớp hoặc cảm thấy căng cứng sau một khoảng thời gian không hoạt động, ví dụ như vào buổi sáng.

Đau cơ/ yếu cơ

Viêm dây thần kinh ngoại biên: (triệu chứng tê/nhói các chi). Người bệnh cần báo cho bác sĩ biết nếu thấy tê bì hay nhói đau ở bàn tay, bàn chân, tê/yếu chân, giảm cảm khả năng cảm nhận nóng/lạnh hay chuột rút.

Viêm thận: Bác sĩ có thể đánh giá chức năng thận bằng cách tiến hành các xét nghiệm thường quy trong quá trình điều trị. Bác sĩ sẽ loại trừ các nguyên nhân khác (chẳng hạn không uống đủ nước hoặc các bệnh lý khác) trước khi đưa ra chẩn đoán viêm thận.

Đau đầu thường xuyên, nhạy cảm với ánh sáng, cứng vùng cổ, lú lẫn, mất trí nhớ ngắn hạn.

Đau ngực, nhịp tim bất thường, sưng bàn tay/bàn chân, khó thở hay cảm thấy mệt lả

Các thay đổi liên quan đến thính giác và thị giác: Các thay đổi về thị giác có thể bao gồm nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng, đau khi di chuyển mắt hoặc sưng mí mắt.

 

Nguồn: Dịch từ www.cancer.org Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ

Đường dẫn: https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/physical-side-effects/infusion-immune-reactions/what-are-infusion-immune-reactions.html truy cập ngày 17/6/2022

Biên dịch: DS. Đặng Hoài Thu – Khoa Dược, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

Hiệu đính: ThS. BS. Nguyễn Thanh Hằng – Phòng HTQT-NCKH

Bài viết liên quan