1900 8198

42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tìm kiếm

NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA BỆNH UNG THƯ BIỂU MÔ TẾ BÀO GAN

22/06/2024 - 03:37

    Ung thư gan là sự tăng trưởng và phát triển không kiểm soát của các tế bào ung thư tại gan, trong đó ung thư biểu mô tế bào gan là loại tổn thương thường gặp nhất, chiếm khoảng 90% trong các loại ung thư tại gan. Theo Globocan 2020, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 905.677 ca mới mắc (chiếm 4,7%) và 830.180 ca tử vong (chiếm 8,3%); đứng vị trí thứ 5 trong số các ung thư thường gặp ở nam; đứng vị trí thứ 7 trong số các ung thư  thường gặp ở nữ giới. Tại Việt Nam, ung thư gan đứng hàng thứ nhất kể cả về tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong với hơn 26.400 người mắc mới và hơn 25.200 người tử vong. Ung thư gan giai đoạn sớm thường không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu, bệnh được phát hiện chủ yếu khi người bệnh đi khám sức khoẻ định kỳ. Khi bệnh đã có biểu hiện lâm sàng như gầy sút cân, chán ăn, mệt mỏi, đau hạ sườn phải, vàng da, chướng bụng thì thường bệnh đã ở giai đoạn muộn.

1. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư gan.

Có nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư gan, tuy nhiên không phải ai có những yếu tố nguy cơ này đều sẽ tiến triển thành ung thư, cũng như có những trường hợp không hề có yếu tố nguy cơ rõ ràng nhưng vẫn mắc bệnh. Dưới đây là một vài yếu tố nguy cơ phổ biến:
- Nhiễm virus viêm gan B: Vi rút viêm gan B là một loại siêu vi khuẩn thuộc họ Hepadnaviridea, khi vi rút này xâm nhập vào cơ thể con người sẽ theo dòng máu vào gan để xâm nhập vào các tế bào gan. Bản thân vi rút viêm gan B không làm tổn thương các tế bào gan mà do hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ tấn công và phá hủy những tế bào gan có nhiễm vi rút, do đó gây nên tổn thương gan. Khi quá trình này tiếp diễn trong thời gian dài, mô gan bị tổn thương sẽ biến đổi thành mô xơ, từ đó có thể dẫn đến xơ gan, suy gan và thậm chí có thể phát triển thành ung thư gan. Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B cao. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2016, dựa trên một số nghiên cứu từ năm 2003 đến năm 2014, tỷ lệ nhiễm viêm gan B ở người lớn tại Việt Nam khoảng 8,2 – 19% dân số. Nhiều nghiên cứu chứng minh nhiễm virus viêm gan B làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan từ 15 – 20 lần so với không nhiễm. Virus viêm gan B có thể lây truyền qua đường máu, dịch huyết tương hoặc các dịch khác của cơ thể, cũng như lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn và từ mẹ sang con.
- Nhiễm virus viêm gan C: Vi rút viêm gan C cũng là một loại siêu vi khuẩn, có thể lây nhiễm từ mẹ sang con hoặc qua sinh hoạt tình dục không an toàn hoặc qua đường máu. Khoảng 70% những người mắc vi rút viêm gan C là mạn tính và trong số họ nguy cơ xơ gan là từ 15% đến 30% trong vòng 20 năm. Cũng theo WHO năm 2016, tỉ lệ nhiễm virus viêm gan C ở người lớn tại Việt Nam khoảng 1 – 3,3% dân số. Người mắc virus viêm gan C có nguy cơ bị ung thư gan cao gấp 17 lần những người bình thường.
- Xơ gan: Xơ gan phát triển khi các tế bào gan lành bị tổn thương và bị thay thế bởi các mô xơ. Các mô xơ này ngăn cản máu di chuyển đến gan và thực hiện các chức năng bình thường của gan. Những yếu tố gây xơ gan thường gặp là nhiễm vi rút viêm gan mạn tính và sử dụng đồ uống có cồn. Người bệnh có xơ gan liên quan đến vi rút viêm gan C có tỉ lệ cao hơn tiến triển thành gan so với mắc virus viêm gan B và do sử dụng đồ uống có cồn.

                                           Hình ảnh gan bình thường             Hình ảnh gan xơ: Mô gan lành bị thay thế bởi mô xơ                
 


- Sử dụng đồ uống có cồn: Theo WHO, rượu gây ra khoảng 80/% số ca tử vong do các bệnh về gan. Rượu có thể là nguyên nhân dẫn đến ung thư gan thông qua các cơ chế trực tiếp (genotoxic) và gián tiếp (xơ gan). Một người sử dụng từ 3 đơn vị (drinks) đồ uống có cồn trở lên làm tăng 16% nguy cơ mắc ung thư gan và tăng 22% nếu sử dụng trên 6 đơn vị mỗi ngày. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng người mắc viêm gan B và C có sử dụng đồ uống có cồn cũng làm tăng cao hơn nguy cơ mắc ung thư gan.
Lưu ý: 1 đơn vị uống chuẩn (standard drink) của Mỹ là 14 gam rượu nguyên chất tương đương với 1 cốc bia 5% (350 ml) hoặc 1 ly rượu vang 12% (150 ml) hoặc 1 ly rượu mạnh 40% (44 ml).
- Aflatoxin B1: Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nguy cơ mắc ung thư gan có thể tăng lên khi sử dụng thực phẩm có chứa aflatoxin B1 (loại độc tố của nấm mốc phát triển trên thực phẩm như ngô hoặc các loại hạt như lạc được bảo quản ở nơi nóng ẩm). Các khu vực thường gặp như Châu Phi, các nước Đông Nam Á và Trung Quốc.
- Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD): NAFLD là tình trạng có thể gây xơ gan và có thể dẫn đến ung thư gan. Viêm gan thoái hoá mỡ không do rượu (NASH) là dạng nghiêm trọng nhất của NAFLD, trong đó có một lượng chất béo bất thường trong gan gây viêm và tổn thương tế bào gan. Ung thư gan cũng đã được tìm thấy ở những người bị NASH không bị xơ gan.
Tiểu đường và béo phì: Béo phì làm tăng nguy cơ mắc NAFLD gây ung thư gan. Người bị tiểu đường có nguy cơ cao hơn mắc ung tư gan so với người không bị.
- Hút thuốc lá: Hút thuốc lá cũng là một trong những yếu tố nguy cơ mắc UTG. Nguy cơ gia tăng theo số lượng thuốc lá hút mỗi ngày và số năm người bệnh đã hút thuốc. Một số nghiên cứu cũng cho thấy, nếu một người hút trên 25 điếu thuốc lá mỗi ngày sẽ làm tăng 60% nguy cơ mắc ung thư gan so với người không hút thuốc lá.


2. Các biện pháp phòng ngừa ung thư gan.
- Tiêm vắc xin phòng ngừa virus viêm gan B: Tiêm phòng viêm gan B là cách tốt nhất để ngăn ngừa nhiễm vi rút viêm gan B. Tất cả trẻ sơ sinh nên tiêm vắc xin viêm gan B càng sớm càng tốt ngay sau khi sinh. Tiêm đủ 03 liều vắc xin tạo ra mức kháng thể bảo vệ ở hơn 95% trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh niên. Kháng thể có thể kéo dài đến 20 năm, tuy nhiên lượng kháng thể sẽ giảm dần theo thời gian. Ở người trưởng thành khi xét nghiệm máu nếu nhận thấy kháng thể viêm gan B yếu thì cần tiêm nhắc lại để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh. Những trường hợp đã mắc viêm gan vi rút B, nên đi khám sức khỏe định kỳ và điều trị thuốc kháng vi rút nếu có chỉ định của bác sĩ.
- Đối với những người mắc vi rút viêm gan C thì hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh hiệu quả. Khi mắc bệnh viêm gan C cần được điều trị cho đến khi đạt đáp ứng vi rút bền vững (SVR) để giảm nguy cơ mắc ung thư gan. Tuy nhiên ngay cả khi đạt SVR, người bệnh lớn tuổi với tiểu cầu thấp và/hoặc có xơ gan vẫn có nguy cơ cao mắc ung thư gan và cần được tầm soát định kỳ.
- Điều trị các bệnh lý chuyển hoá như NAFLD và NASH. Điều trị ổn định các hội chứng chuyển hoá, đặc biệt là tiểu đường và béo phì.
- Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn và không hút thuốc lá.
- Hạn chế sử dụng đồ ăn như ngô và các loại hạt như lạc khi bị ẩm, mốc.
- Dinh dưỡng hợp lý và luyện tập giúp tăng cường miễn dịch và đồng thời giữ cho vóc dáng cân đối cũng là cách hữu hiệu để phòng ngừa ung thư gan.

 

Người viết: BS. Nguyễn Hoàng Dương – Khoa Nội Tiêu hóa Theo yêu cầu

Người duyệt: BSCKII. Nguyễn Thị Dùng – Trưởng khoa Nội Tiêu hóa Theo yêu cầu

 

Nguồn tài liệu tham khảo:

1. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư biểu mô tế bào gan (Ban hành kèm theo Quyết định số 3129/QĐ-BYT ngày 17 tháng 07 năm 2020)

2. Liver Cancer Causes, Risk Factors, and Prevention was originally published by the National Cancer Institute. Link: https://www.cancer.gov/types/liver/what-is-liver-cancer/causes-risk-factors

3. Petrick JL, Campbell PT, Koshiol J, et all. Tobacco, alcohol use and risk of hepatocellular carcinoma and intrahepatic cholangiocarcinoma: The Liver Cancer Pooling Project. Br J Cancer. 2018 Apr;118(7):1005-1012. doi: 10.1038/s41416-018-0007-z. Epub 2018 Mar 9. PMID: 29520041; PMCID: PMC5931109.

4. Sheron N, Hawkey C, Gilmore I. Projections of alcohol deaths--a wake-up call. Lancet. 2011 Apr 16;377(9774):1297-9. doi: 10.1016/S0140-6736(11)60022-6. Epub 2011 Feb 19. PMID: 21334738.