1900 8198

42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tìm kiếm

NÊN LÀM GÌ KHI NGƯỜI THÂN ĐƯỢC CHẨN ĐOÁN UNG THƯ?

22/06/2024 - 03:37

Chờ đợi

          Khi một khối u hay một triệu chứng khiến người thân của bạn phải đi khám bệnh, có thể phải mất nhiều ngày để thực hiện các xét nghiệm hoặc chờ đợi kết quả xét nghiệm. Trong khoảng thời gian này, cả bạn và người thân của bạn đều không biết đang phải đối mặt với điều gì. Trong tâm trí của bạn và người thân của bạn có thể sẽ có đủ loại ý nghĩ.

Đây thường là khoảng thời gian rất đáng sợ. Nếu người thân của bạn tâm sự với bạn thì có lẽ là vì họ cần được chia sẻ những lo lắng của họ. Có thể họ chỉ cần bạn lắng nghe và cố gắng giúp họ hi vọng vào khả năng tốt nhất. Chờ đợi luôn thật khó khăn, nhưng nếu có ai đó cùng chờ đợi thì gánh nặng này sẽ vơi nhẹ bớt.

Có những người có thể cảm thấy họ bị ung thư trước khi họ được nghe điều đó từ bác sĩ. Mỗi người có những phản ứng với chẩn đoán ung thư theo cách riêng của họ. Một số người có thể muốn kể chi tiết về những điều mà bác sĩ đã nói với họ. Những người khác lại hoàn toàn không muốn nói gì về điều đó. Đôi khi, nhu cầu nói chuyện và chia sẻ của một người có thể thay đổi mỗi ngày. Để biết người thân của bạn cần gì, bạn chỉ cần đơn giản là hỏi họ một cách trực tiếp và tôn trọng xem họ có muốn nói với bạn không.

Ảnh 1. Khu vực chờ tại Khoa Khám bệnh theo yêu cầu – Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

Khi đã xác định chắc chắn đó là ung thư

          Khi đã chẩn đoán xác định là ung thư, bác sĩ nên là người nói với người bệnh. Có ai đi cùng người bệnh đến gặp bác sỹ lần này không? Người bệnh có muốn ai đi cùng với họ không? Bạn hãy suy nghĩ xem mình có nên ở đó cùng người bệnh khi bác sỹ trả kết quả xét nghiệm không. Đôi khi bác sĩ sẽ nói chuyện với người bệnh và một người nhà cùng lúc, điều đó mang lại cho người bệnh cảm giác được hỗ trợ - họ thấy rằng họ không phải một mình đối mặt với căn bệnh ung thư. Nhưng có một số người bệnh lại muốn một mình nói chuyện với bác sĩ. Vì vậy hãy hỏi người bệnh xem họ có muốn bạn đi cùng đến nhận kết quả xét nghiệm không. Cách thức bác sĩ thông báo tin bị ung thư cho người bệnh phụ thuộc vào phong cách cá nhân của mỗi bác sĩ và đánh giá của họ về nhu cầu và cảm xúc của người bệnh. Những yếu tố này cũng ảnh hưởng đến lượng thông tin bác sĩ cung cấp cho người bệnh. Bác sĩ cũng coi trọng và tính đến các biểu hiện, câu hỏi và người đi cùng người bệnh trong cuộc gặp để quyết định những thông tin đưa ra trong cuộc gặp.

Hầu hết các bác sĩ sẽ trung thực về chẩn đoán, lựa chọn điều trị, và triển vọng điều trị. Cách tiếp cận trung thực ngay từ đầu tạo tiền đề cho mối quan hệ tin cậy giữa bác sĩ, người bệnh và người thân của người bệnh. Điều này làm cho các cuộc nói chuyện được cởi mở, thẳng thắn giúp cho người bệnh lựa chọn được phương thức chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho họ. Các điều dưỡng có thể giúp bạn hiểu rõ hơn những điều bác sĩ đã nói với bạn và  là nguồn thông tin và hỗ trợ đáng kể. Hầu hết các bác sĩ coi việc trung thực về chẩn đoán, lựa chọn điều trị và triển vọng điều trị là tôn chỉ làm việc.

Ảnh 2. Bác sỹ trao đổi với người bệnh và người nhà về chẩn đoán và hướng điều trị tại khoa Khám bệnh theo yêu cầu 
 Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

Nếu bạn đi cùng người bệnh đến nhận kết quả xét nghiệm

Mọi người thường bị sốc khi lần đầu tiên họ nghe thấy từ “Ung thư”. Có lẽ thật khó để họ nghe và nhớ bất cứ điều gì sau đó. Nhiều người chỉ có thể tiếp nhận một lượng nhỏ thông tin nếu đó là thông tin buồn rầu tiêu cực. Nếu bạn ở bên người bệnh lúc đó, hãy cố gắng tập trung chú ý. Bạn có thể mang giấy bút để ghi lại thông tin. Sau này người bệnh có thể cần bạn giúp nhớ lại và giải thích những gì bác sỹ đã nói.

          Sau này, khi bạn nói về việc đi cùng người bệnh đến gặp bác sĩ, nếu bạn cảm thấy người bệnh đang gặp khó khăn trong việc tiếp nhận thông tin mà bạn chia sẻ, hãy từ tốn, chậm rãi. Đừng đi vào nhiều chi tiết cùng lúc. Hãy hỏi xem người bệnh đã biết những gì. Cố gắng trả lời các câu hỏi cụ thể mà họ có thể đưa ra.

Nếu cuộc nói chuyện vẫn còn là quá sức với người bệnh, hãy nhắc họ rằng những người thân yêu, gia đình bạn bè và đội ngũ chăm sóc người bệnh ung thư luôn ở bên họ, quan tâm lo lắng và sẵn sàng nói chuyện với họ về bệnh tật bất cứ khi nào họ muốn. Nếu bạn thấy không thoải mái khi nói về bệnh ung thư, bạn có thể không phải người tốt nhất để người bệnh nói chuyện vào lúc này. Có lẽ bạn cần chút thời gian để vượt qua cảm xúc của chính mình. Bạn thậm chí có thể giải thích với người bệnh rằng bạn đang gặp khó khăn khi nói về ung thư. Hãy nói với họ rằng bạn muốn nói chuyện với họ, nhưng cảm thấy mình không phải người tốt nhất lúc này. Nhân viên công tác xã hội, chuyên gia tư vấn, hoặc một người bạn khác hoặc thành viên khác trong gia đình có thể hỗ trợ người bệnh tốt hơn tại thời điểm này. Bạn có thể gợi ý để người bệnh tìm sự hỗ trợ từ họ.

          Hãy chắc chắn là người bệnh hiểu được rằng khó khăn của bạn khi nói về chuyện ung thư là vấn đề của bạn chứ không phải của người bệnh. Bạn cũng có thể cho họ biết rằng bạn rất muốn ở bên họ, trợ giúp họ bất chấp khó khăn này của bạn, và hi vọng sẽ làm được điều đó trong tương lai. Giải thích với họ rằng bạn cũng cần một chút thời gian để tự điều chỉnh và cân bằng bản thân.

 

Dich từ www.cancer.org của Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ

Đường dẫn: https://www.cancer.org/treatment/caregivers/listen-with-your-heart/hearing-the-news.html truy cập ngày 3/7/2020

Người dịch: Điều dưỡng Bùi Thị Hằng Nga – Đơn vị Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

Hiệu đính. ThS. BS. Nguyễn Thanh Hằng – Đơn vị Hợp tác quốc tế Nghiên cứu Khoa học, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội.

 

 

 

Bài viết liên quan