1900 8198

42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tìm kiếm

KHI NGƯỜI BỆNH UNG THƯ KHÔNG MUỐN ĐIỀU TRỊ

22/06/2024 - 03:37

Nên làm gì khi người thân của bạn từ chối điều trị ung thư?

Có một số người bệnh ung thư đã chọn không điều trị. Điều này có thể rất khó chấp nhận đối với gia đình và bạn bè của họ. Nhưng nhìn chung, những người có đủ năng lực quyết định đều có quyền từ chối một phần hay toàn bộ điều trị. Là người thân của người bệnh, bạn có thể băn khoăn tại sao họ đưa ra quyết định này. Có thể là người bệnh có vấn đề về sức khỏe khiến việc điều trị ung thư trở nên khó khăn và nhiều nguy cơ hơn. Cũng có thể họ cảm thấy với tuổi tác và quãng đời đã trải qua của họ, giờ đã là “thời khắc phải đến của họ”. Đôi khi là vì lý do tôn giáo. Có nhiều lý do làm người bệnh ung thư từ chối điều trị.

Bạn có thể hỏi người bệnh về lý do họ từ chối điều trị. Dù cho câu trả lời có thể khó chấp nhận với bạn, việc lựa chọn từ chối điều trị là của người bệnh chứ không phải của ai khác. Thường thì câu trả lời của người bệnh là hợp lý và cho bạn hiểu rõ hơn về tình hình của người bệnh. Bạn cũng có thể nói với người bệnh những suy nghĩ của mình. Bạn có thể nói những điều như “Con chưa từng nghĩ theo cách này và con rất mừng là bố đã chia sẻ quan điểm của bố với con” hoặc “Anh hy vọng em sẽ nói chuyện với bác sĩ về các lựa chọn điều trị, nhưng anh sẽ ủng hộ và giúp đỡ em vượt qua giai đoạn này bằng cách tốt nhất anh có thể làm”. Ngay cả sau khi người bệnh từ chối điều trị, vẫn cần giúp họ hiểu rõ ràng và đầy đủ về những lựa chọn của họ. Bạn có thể đề nghị người bệnh nói chuyện với bác sĩ về quyết định của họ và hỏi bác sỹ xem có những cách điều trị nào có thể sử dụng. Một số người bệnh sẽ đồng ý nói chuyện với bác sĩ, một số thì không. Nhưng đừng ngạc nhiên nếu như sau khi nói chuyện với bác sĩ, người bệnh vẫn từ chối điều trị. Họ có quyền tự lựa chọn cho bản thân họ, giống như bạn có quyền cảm nhận theo cách của bạn. Hãy cố gắng nhìn nhận mọi thứ từ góc nhìn của người bệnh và tiếp tục hỗ trợ họ và giữ gìn mối quan hệ với họ.

Chăm sóc bổ trợ (còn được gọi là chăm sóc giảm nhẹ) có thể giúp cho tất cả những người bệnh ung thư – ngay cả những người không muốn điều trị. Chăm sóc bổ trợ giúp người bệnh ung thư giảm nhẹ các triệu chứng như đau nhiều, buồn nôn hoặc các triệu chứng khác. Phương pháp chăm sóc này nhằm mục đích điều trị các triệu chứng chứ không phải điều trị bản thân bệnh ung thư. Chăm sóc bổ trợ giúp người bệnh cảm thấy tốt nhất có thể trong khoảng thời gian lâu nhất có thể.

Người bệnh từ chối điều trị ung thư vẫn có thể chấp nhận chăm sóc giảm nhẹ. Các điều dưỡng chăm sóc giảm nhẹ sẽ cung cấp dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ hoặc chăm sóc bổ trợ để giảm hoặc kiểm soát các triệu chứng của bệnh ung thư. Họ cũng giúp người bệnh và gia đình người bệnh tận dụng tối đa thời gian còn lại của họ. Một người bệnh có khả năng tự đưa ra quyết định cũng có thể vẫn từ chối sự chăm sóc này. Điều đó có thể sẽ khó chấp nhận với người thân của người bệnh khi thấy người bệnh phải chịu đựng bệnh tật đau đớn trong khi biết rằng chăm sóc giảm nhẹ có thể làm bớt đau và các triệu chứng khác. Nếu điều này xảy ra, người thân của người bệnh luôn luôn cố gắng làm tốt nhất có thể, nhưng vẫn nên coi việc chăm sóc giảm nhẹ là một lựa chọn. Sự chăm sóc này sẽ cần thiết hơn nữa nếu tình trạng bệnh nhân nặng hơn - đó là lúc người thân của bệnh nhân không thể tự xoay sở mà không có sự giúp đỡ.

Nên làm gì khi người thân của bạn quyết định dừng điều trị ung thư?

Có những lúc bạn và người thân đang bị ung thư của bạn không đồng ý với nhau khi cần đưa ra quyết định. Một trong những thời điểm đó có thể là khi người bệnh quyết định rằng việc tiếp tục điều trị ung thư là không xứng đáng với phí tổn về vật chất và tinh thần nên họ muốn dừng điều trị. Khi bạn thấy người thân quyết định từ bỏ điều trị bạn có thể cảm thấy rất buồn, thất vọng hay tức giận. Việc dừng điều trị là điều cả bạn và người bệnh đều không mong muốn và làm cả hai thấy rất buồn.

Điều quan trọng là bạn và người thân cho nhau quyền cảm thông và thấu hiểu tâm trạng và cảm xúc của nhau. Hãy hiểu rằng người bệnh mệt mỏi với việc điều trị và mệt mỏi vì việc đau ốm mà không thấy lợi ích rõ ràng từ việc điều trị. Mặc dù bạn không đồng ý với quyết định dừng điều trị này của người bệnh, sẽ thật là buồn nếu bạn để sự bất đồng ý kiến này làm thay đổi mối quan hệ của hai người.

Một khi bạn ngừng lại và suy nghĩ về điểm này, bạn sẽ cảm thông và không còn thất vọng hay tức giận với quyết định của người bệnh, thay vào đó, hãy dành thêm thời gian ở bên cạnh người bệnh, trân trọng khoảng thời gian còn lại của bạn với người thân. Điều này là tốt nhất cho cả hai. Bạn có thể nói với người bệnh về việc chấp nhận có sự bất đồng ý kiến giữa hai người trong khi vẫn yêu thương và quan tâm đến nhau.

Hãy nhớ rằng người bệnh đã, đang và sẽ luôn là người thân của bạn. Điều đó sẽ giúp bạn đối xử với họ như cách mà bạn đã làm từ trước tới nay.

Dịch từ www.cancer.org của Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ

Đường dẫn:

https://www.cancer.org/treatment/caregivers/listen-with-your-heart/when-treatment-stops.html

https://www.cancer.org/treatment/caregivers/listen-with-your-heart/if-loved-one-refuses-treatment.html

Truy cập ngày 7/7/2020

Người dịch: BS. Đỗ Minh Ngọc – Khoa Nội soi – Thăm dò Chức năng

Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng - ĐV HTQT-NCKH

Bài viết liên quan