1900 8198

42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tìm kiếm

CẬP NHẬT MỚI NHẤT TRONG ĐIỀU TRỊ BỔ TRỢ CHO BỆNH NHÂN UTPKTBN GIAI ĐOẠN SỚM

22/06/2024 - 03:37

Ung thư phổi (UTP) hay ung thư phế quản là thuật ngữ để chỉ bệnh ác tính của phổi xuất phát từ biểu mô niêm mạc phế quản, tiểu phế quản, phế nang, các tuyến của phế quản, hoặc các thành phần khác của phổi.
Ung thư phổi là một trong 3 bệnh ung thư thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư ở phạm vi toàn cầu.

Tỷ lệ tử vong do ung thư phổi cao do bệnh thường được chẩn đoán vào giai đoạn tiến xa nên cần tăng cường hiệu quả hoạt động tầm soát, phát hiện sớm ung thư phổi. Gần đây, chụp cắt lớp điện toán xoắn ốc năng lượng thấp được chấp thuận như biện pháp tầm soát cho đối tượng nguy cơ cao (hút thuốc lá nhiều năm trên 30 gói/năm) giúp phát hiện nhiều hơn những bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn sớm khu trú tại chỗ, tại vùng với kích thước u thường nhỏ hơn 7cm, có hoặc không có hạch rốn phổi cùng bên (giai đoạn I, II, IIIA). Với nhóm bệnh nhân giai đoạn sớm (khu trú tại chỗ tại vùng), điều trị triệt căn nhằm mục tiêu chữa khỏi:

Điều trị phẫu thuật cho giai đoạn sớm (giai đoạn khu trú):

Giai đoạn khu trú: được xem như khi tổn thương còn mang tính khu trú tại chỗ, tại vùng gồm giai đoạn I, II và IIIa. Phẫu thuật mang tính triệt để. Tuy nhiên, ngay cả nhưng bệnh nhân UTP giai đoạn sớm, khi đã được điều trị triệt căn bằng phương pháp phẫu thuật, các ổ vi di căn tiềm ẩn vẫn tồn tại, phát triển thành các tổn thương di căn đại thể mới. Chính vì vậy, để giải quyết những tình trạng này, các phương pháp điều trị toàn thân sau điều trị phẫu thuật (điều trị bổ trợ) cho bệnh nhân UTP giai đoạn sớm được nghiên cứu và chỉ định cho những đối tượng thích hợp.
 

Hóa trị bổ trợ sau mổ: được chỉ định sau phẫu thuật cho các trường hợp có giai đoạn từ IB trở lên. Hóa trị hỗ trợ thường được thực hiện 4 chu kỳ với phối hợp thuốc có platin (cisplatin được ưu tiên chọn lựa so với carboplatin). Một số nghiên cứu cho thấy điều trị hóa chất bổ trợ giúp kéo dài thời gian sống thêm toàn bộ có thể lên tới hơn 3 năm, đặc biệt phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. Nghiên cứu gộp LACE cho thấy điều trị hóa chất bổ trợ giúp giảm 6.0% tỷ lệ tử vong do ung thư so với nhóm không điều trị hóa chất.

Xạ trị bổ trợ sau phẫu thuật: Chỉ định cho nhóm bệnh nhân có yếu tố nguy cơ tái phát tại chỗ cao như: diện cắt sau mổ còn tế bào ung thư, phẫu thuật không vét hết được hạch trong cuộc mổ hoặc có hạch di căn. Phương pháp này giúp kéo dài thời gian sống thêm, tuy nhiên nhiều tác dụng phụ, nên chỉ định điều trị trên đối tượng bệnh nhân trẻ, thể trạng tốt, theo đúng chỉ định

Các phương pháp điều trị bổ trợ mới: Ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của nhiều phương pháp điều trị toàn thân trong ung thư phổi như điều trị đích điều trị miễn dịch, điều trị bổ trợ đã không còn chỉ giới hạn bởi hóa chất hay xạ trị, các thuốc đích và miễn dịch cũng được chỉ định điều trị bổ trợ cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ, giúp cải thiện thời gian sống thêm toàn bộ và thời gian bệnh không tiên triển. Theo cập nhật mới nhất của NCCN version tháng 2/2023, với nhóm bệnh nhân UTP giai đoạn từ Ib đến IIIa:

- Bệnh nhân có đột biến gen EGFR exon 19 hoặc 21, sau điều trị hóa chất bổ trợ, điều trị duy trì bằng Osimertinib (đây là thuốc TKIs thế hệ III, duy nhất được FDA phê duyệt từ 12/2020 cho điều trị bổ trợ) giúp kéo dài thời gian sống thêm bệnh không tiến triển, cải thiện đáng kể thời gian sống thêm toàn bộ.Theo nghiên cứu, thời gian sống thêm toàn bộ trung bình là hớn 3 năm (38.6 tháng), tại thời điểm 2 năm sau điều trị bằng Osimertinib, có tới 90% bệnh nhân còn sống không bệnh, khi so với nhóm không điều trị bằng 0simertinib là 44%

- Đối với nhóm bệnh nhân không có đột biến EGFR hoặc ALK, điều trị miễn dịch bằng Atezolizumab (bệnh nhân có PDL-1 ≥1% - theo nghiên cứu IMPOWER 010) giúp kéo dài thời gian sống thêm toàn bộ ở thời điểm 5 năm sau mổ, tỷ lệ bệnh nhân còn sống là 76.8%. Pembrolizumab là thuốc miễn dịch khác (có thể chỉ định cho nhóm bệnh nhân có PDL-1<1% - theo nghiên cứu KEYNOTE 091) giúp kéo dài thời gian sống thêm bệnh không tiến triển lên tới 53.6 tháng so với  42 tháng ở nhóm không điều trị Pembrolizumab. Nivolumab cũng là một thuốc miễn dịch khác đang được nghiên cứu trong điều trị bổ trợ ung thư phổi (với nghiên cứu ANVIL dự kiến công bố kết quả trong năm 2025), với kì vọng mạng lại hiệu quả điều trị sống thêm.

Tóm lại, với sự tiến bộ vượt bậc của y học và khoa học công nghệ, việc điều trị bệnh lý ung thư phổi giai đoạn sớm đã có nhiều lựa chọn mới với kết quả điều trị cải thiện đáng kể so với các phương pháp điều trị căn bản, đem lại tác dụng kéo dài thời gian sống thêm và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Người viết: BS. Nguyễn Nhật Linh - Khoa Nội I
Người duyệt: TS.BS. Lê Thu Hà - Trưởng khoa Nội I

Bài viết liên quan