1900 8198

42A Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tìm kiếm

CÁCH DỌN NHÀ KHI CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH UNG THƯ

22/06/2024 - 03:37

Công việc dọn nhà thường không phải là nhiệm vụ được chú ý hay tôn vinh. Tuy nhiên, một căn nhà sạch sẽ có thể ngăn ngừa sự lây lan của nhiễm trùng. Điều đó tốt cho mọi thành viên dưới mái nhà của bạn, và nó đặc biệt quan trọng khi bạn đang chăm sóc người bệnh ung thư.

Là một người chăm sóc, bạn vốn đã có rất nhiều nhiệm vụ. Hãy tận dụng tối đa thời gian của bạn bằng cách tập trung vào việc làm sạch các khu vực quan trọng trong nhà. Dưới đây là một số điều cần cân nhắc về việc dọn dẹp nhà cửa khi đang chăm sóc người bệnh ung thư. Và, hãy nhớ nói chuyện với nhóm chăm sóc ung thư để xem liệu họ có khuyến nghị nào về việc vệ sinh hoặc các hướng dẫn khác về chăm sóc tại nhà dựa trên nhu cầu và kế hoạch điều trị của người bệnh trong gia đình bạn.

Tại sao việc dọn nhà lại quan trọng với người bệnh ung thư và người chăm sóc của họ

Hóa trị, xạ trị và các phương pháp điều trị khác có thể làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể. Một số bệnh ung thư di căn đến xương cũng có thể làm suy yếu hệ miễn dịch của bạn. Do đó, những người bị ung thư có thể dễ bị bệnh và nhiễm trùng hơn, vì vậy họ có thể gặp khó khăn khi chống lại những bệnh thông thường như cảm lạnh, cúm hay ngộ độc thực phẩm.

Việc dọn dẹp cũng có thể giúp bảo vệ mọi người trong gia đình khỏi những độc tính của một số loại thuốc mà người thân của bạn có thể đang dùng, ví dụ như hóa chất dùng trong hóa trị, có thể tồn tại trong chất dịch cơ thể tới 7 ngày. Do đó, bạn cần  đặc biệt lưu ý vệ sinh những nơi như nhà vệ sinh hoặc khi giặt đồ (xem thêm bên dưới). Hãy hỏi bác sĩ hoặc những thành viên khác thuộc nhóm chăm sóc sức khỏe  về bất kỳ biện pháp phòng ngừa đặc biệt nào cần thiết đối với từng loại thuốc được kê cho người thân của bạn.

Khu vực chú ý đầu tiên: bàn tay của bạn

Bạn có thể không coi đôi bàn tay là một phần của ngôi nhà. Tuy nhiên, đôi bàn tay bạn chạm vào hầu hết tất cả mọi thứ trong nhà. Ngay từ khi bạn bước vào cửa, tay bạn có thể mang mầm bệnh từ bên ngoài vào trong nhà. Bạn có thể lây lan chúng ra xung quanh bằng cách chạm vào các vật dụng dùng chung trong nhà như mặt bàn, điều khiển từ xa, màn hình, tay nắm bồn cầu và các thiết bị gia dụng.

Ảnh 1: Rửa tay với xà phòng và nước ấm

Đó là lí do vì sao việc rửa tay thường xuyên bằng nước xà phòng ấm lại quan trọng. Hãy yêu cầu trẻ em, khách và cả nhân viên chăm sóc sức khỏe tại nhà làm điều tương tự. Bạn cũng nên cố gắng thường xuyên lau sạch những khu vực hay tiếp xúc như điện thoại, máy tính bảng, điều khiển từ xa, tay nắm cửa, và công tác đèn, những thứ có thể rất dễ bị bỏ quên. Hầu hết thời gian bạn có thể sử dụng xà phòng và nước thông thường và/hoặc khăn lau khử trùng gia dụng. Làm theo hướng dẫn trên khăn lau, vì một số bề mặt yêu cầu phải lau ướt trong 10 phút. Ngoài ra, hãy xem hướng dẫn cụ thể về cách tốt nhất để làm sạch từng thiết bị điện tử của bạn.

Những bước nhỏ để tiết kiệm thời gian

Nghe có vẻ hiển nhiên nhưng cách nhanh nhất để dọn dẹp là dọn từ trên cao xuống dưới thấp ở trong phòng. Nếu bạn lau sàn nhà trước thì khi dọn các kệ đựng đồ, bạn có thể sẽ phải lau sàn lần nữa.

Cố gắng dọn dẹp và sắp xếp ngay khi có thể. Dọn dẹp bát đũa nhiều dầu mỡ ngay sau bữa tối sẽ dễ dàng hơn so với việc dọn dẹp khi dầu mỡ đã đóng cặn vào ngày hôm sau. Sắp xếp và phân loại đồ đạc sẽ giúp công việc dọn nhà nhanh chóng hơn vì bạn sẽ không phải di chuyển nhiều đồ trong mỗi lần dọn dẹp.

Hãy để tất cả những dụng cụ lau dọn làm sạch của bạn ở cùng một chỗ để bạn có thể lấy chúng mang đi dọn nhà khi có thời gian. Đừng khiến cho bạn cảm thấy như mình phải dọn cả căn nhà mỗi lần dọn dẹp. Ưu tiên căn phòng mà bạn và người thân có xu hướng sử dụng nhiều nhất như bếp, phòng tắm và phòng ngủ.

Dọn dẹp căn bếp

Ảnh 2: Dọn dẹp căn bếp

Trong căn bếp của bạn, mục tiêu chính là ngăn ngừa các bệnh do đồ ăn gây ra. Chúng do vi khuẩn, vi rút hoặc phản ứng hóa học giữa các loại đồ ăn và đồ uống gây nên. Bệnh do đồ ăn còn được gọi là ngộ độc thực phẩm.

Một vài loại thực phẩm có thể chứa sẵn các vi khuẩn từ khi bạn mua chúng ở cửa hàng. Ví dụ, thịt sống, các loại trai, ốc, hến, trứng hoặc các sản phẩm tươi sống có thể có sẵn vi khuẩn. Hoặc vi khuẩn hoặc vi rút có thể lây lan từ bàn tay của bạn sang đồ ăn trong quá trình sơ chế. Sau đó chúng có thể lan sang bề mặt của bếp.

Hãy rửa sạch các bề mặt của cả căn bếp bằng nước xà phòng ấm cả trước và sau khi bạn chuẩn bị đồ ăn. Vi khuẩn có thể sống trên các bề mặt lâu hơn bạn nghĩ. Ví dụ, theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), vi khuẩn salmonella tồn tại tới 32 giờ trên các bề mặt.

Tiếp theo, khử trùng các bề mặt sau khi chuẩn bị đồ ăn để tiêu diệt các vi khuẩn còn sót lại. Có nhiều loại chất tẩy rửa khử trùng gia dụng khác nhau hoặc bạn có thể tự làm chất khử trùng từ một lượng nhỏ thuốc tẩy trong 4,5 lít nước theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Thuốc tẩy không được khuyến khích sử dụng cho tất cả các bề mặt, vì vậy trước tiên hãy kiểm tra xem nó có an toàn để sử dụng trên bề mặt mà bạn đang muốn làm sạch hay không. Thông thường, bạn phải đợi một khoảng thời gian để chất tẩy rửa gia dụng hoạt động, hãy kiên nhẫn. Để yên cho dung dịch tẩy rửa phát huy tác dụng và sau đó lau khô.

Các mặt bàn không phải là bề mặt duy nhất ở trong bếp của bạn. Tay nắm tủ lạnh, cửa lò vi sóng, nắp thùng rác và vòi nước cũng cần được rửa và vệ sinh. Có thể bạn sẽ ngạc nhiên nhưng miếng bọt biển rửa bát ở nhà bếp thường có mật độ vi khuẩn cao nhất trong nhà. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng miếng bọt biển được vệ sinh không hề chứa ít vi khuẩn hơn một miếng bọt biển bẩn. Vì thế, thường xuyên thay miếng bọt biển là một điều cần thiết. Bạn cũng nên giặt khăn lau bát đĩa mỗi ngày hoặc 2 ngày một lần (xem thêm thông tin về giặt đồ ở bên dưới) và cố gắng lau sàn bếp hàng tuần bằng cây lau nhà sạch.

Cuối cùng, hãy lau bên trong tủ lạnh và các kệ đựng đồ hàng tháng, và lau sạch các vết bẩn bị đổ trong tủ lạnh ngay lập tức. Hãy đảm bảo dùng 2 lớp túi đựng rác để đựng các chất dịch cơ thể nếu người thân của bạn đang hóa trị hoặc tiếp nhận các thuốc điều trị ung thư khác.

Dọn dẹp phòng tắm

Các thuốc điều trị ung thư, như hóa chất, có thể tồn tại trong cơ thể người đến 7 ngày, vì vậy những bệnh nhân đang điều trị bằng phương pháp này và người chăm sóc của họ nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa đặc biệt để làm sạch máu, chất nôn, nước tiểu, mồ hôi và bất kỳ dịch cơ thể nào khác có thể bám trên các bề mặt. Thường chúng được tìm thấy ở các bề mặt trong phòng tắm.

Ảnh 3: Làm sạch bồn cầu

Ví dụ như bồn cầu, là nơi có thể chứa nhiều loại vi khuẩn và vi rút, hãy cố gắng dọn bồn cầu 1 tuần 1 lần. Đảm bảo rằng bạn đeo găng tay ở cả 2 tay để giữ đôi bàn tay bạn an toàn khi vệ sinh bồn cầu hoặc làm sạch bất kỳ chất dịch nào của cơ thể. Để làm sạch bồn cầu, hãy đổ thuốc tẩy hoặc dung dịch tẩy rửa khác vào bồn cầu  theo hướng dẫn của nhà sản xuất, cọ các mặt và mép, sau đó để yên trong vài phút. Xịt chất tẩy rửa gia dụng lên phía bên ngoài, bệ ngồi, tay cầm và để yên trong thời gian được khuyến nghị. Sau đó lau sạch. Bạn cũng có thể mua bàn chải có chứa chất tẩy rửa dùng 1 lần tại các cửa hàng tạp hóa.

Từ 1 đến 2 tuần một lần, hãy cọ sạch tất cả các bề mặt trong nhà tắm của bạn. Cọ bồn rửa, vòi hoa sen, nơi để bàn chải đánh răng, chai lọ và những vật dụng khác. Xịt chất tẩy rửa gia dụng lên bồn rửa, vòi nước và các bề mặt của kệ đựng đồ. Làm tương tự với các bề mặt của vòi hoa sen hoặc bồn tắm. Tiếp tục đợi và lau khô bề mặt.

Treo thảm nhà tắm của bạn sau mỗi lần sử dụng để nó có thể khô hoàn toàn. Đồng thời, cố gắng lau sàn nhà tắm trong quá trình bạn vệ sinh hàng tuần hoặc 2 tuần 1 lần. Khi bạn có thời gian, hãy giũ và giặt các loại thảm trải và tấm lót trong nhà tắm.

Vi khuẩn cũng có thể phát triển trên khăn tắm, đặc biệt là khi khăn được giữ ở nơi tối và ẩm ướt. Vì vậy hãy giặt khăn tắm của bạn hàng tuần hoặc thường xuyên hơn với nước ấm hoặc nước nóng.

Mẹo giặt ủi

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ khuyên bạn nên giặt và sấy khô ga trải giường, quần áo và khăn tắm ở nhiệt độ ấm nhất được ghi trên nhãn mác. Thuốc tẩy và các dung dịch tẩy rửa khác có thể được sử dụng để khử trùng thêm cho đồ giặt, tùy thuộc vào loại vải. Kiểm tra nhãn mác để xem chất tẩy rửa và chất phụ gia nào có thể hỗ trợ giặt sạch mà không gây hại cho quần áo của bạn.

Nếu người thân của bạn đang hóa trị hoặc tiếp nhận các loại thuốc tương tự khác, hãy giặt đồ của họ - bao gồm cả khăn trải giường và khăn tắm – riêng biệt với đồ giặt của các thành viên còn lại trong gia đình. Nếu bạn không thể giặt ngay lập tức, hãy để chúng riêng vào túi bóng cho đến khi bạn có thể xử lý. Luôn nhớ rửa tay với xà phòng và nước sau khi xử lý đồ giặt của người bệnh, phòng khi bạn tiếp xúc với bất kỳ chất dịch cơ thể nào của họ.

Dọn dẹp cho thú cưng

Chất thải của vật nuôi có thể lây bệnh trong nhà. Nếu bạn nuôi mèo, hãy cố gắng thay khay vệ sinh hàng ngày và tránh để khay vệ sinh ở khu vực bạn nấu nướng hoặc ăn uống. Nếu bạn nuôi chim hoặc vật nuôi nào trong lồng, cố gắng thay lót lồng hàng ngày. Dọn dẹp và khử trùng những chất thải rơi vãi của vật nuôi ngay lập tức và rửa tay kỹ lưỡng sau đó.


Nguồn: Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) www.cancer.net

Đường dẫn:

https://www.cancer.net/blog/2020-10/how-clean-your-home-when-caring-someone-with-cancer

Biên dịch: ThS. Nguyễn Hà My, phòng QLCL-CTXH

Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng, Phòng HTQT&NCKH

 

 

 

Bài viết liên quan